Dệt may, da-giày sẽ có kim ngạch xuất khẩu cao hơn năm 2020

(PLVN) -Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử được dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020.
Ảnh minh họa

Đánh giá về sự hồi phục của các ngành sản xuất, tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng năm 2021 tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử được các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.

Trong đó, kỳ vọng lớn nhất đặt vào dệt may. Theo ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù khu vực may phía Nam bị ảnh hưởng phải đóng cửa vì dịch bệnh trong quý III, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng 2021 đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ của năm 2019.

“Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng tối thiểu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020”, ông Đức Anh nói.

Đặc biệt, sau 9 tháng năm 2021, Vinatex đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của Tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Lý giải về kết quả này, đại diện Vinatex cho biết, ngay từ tháng 2/2020 khi dịch bệnh mới xuất hiện, Vinatex nói riêng và dệt may nói chung đã xác định tính chất ngành là các doanh nghiệp đông lao động, quy mô tập trung con người rất lớn.

Với doanh nghiệp may quy mô một xưởng sản xuất trung bình là 500 - 1000 lao động, một doanh nghiệp có từ 3.000 - 10.000 lao động. Cá biệt như các Tổng công ty Việt Tiến trên 35.000, Nhà Bè trên 20.000; May 10 đều trên 10.000 lao động; doanh nghiệp sợi dệt thì đi 3 ca... nên đều là các địa điểm có rủi ro rất cao trong dịch bệnh.

Ngoài ra, công nhân bị nghỉ việc 3 tháng nên đã về quê. Ở thời điểm tháng 10/2021, khi thực hiện khảo sát nhanh ở một số doanh nghiệp lượng công nhân sẵn sàng quay lại làm việc ngay từ ngày đầu mở cửa ở mức dưới 50% lượng công nhân. Việc phải hỗ trợ lao động ngừng việc đã làm cho các doanh nghiệp may ở phía Nam mất một khoản chi phí khá lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đã lựa chọn các mục tiêu ưu tiên trong sản xuất như dồn nỗ lực vào một số đơn hàng, ưu tiên khách hàng, đơn hàng cần được bảo vệ, tổ chức các đơn hàng ngành sợi với sản lượng tối đa do ngành sợi đang có hiệu quả. Tổ chức cụm các doanh nghiệp sản xuất cùng loại mặt hàng để kịp thời chi viện cho nhau khi có mắt xích bị cách ly.

Đọc thêm