Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 708/QĐ-BKHĐT ngày 11/5/2020 - chủ trì cuộc họp này.
Đây là buổi họp thẩm định quy hoạch tỉnh lần thứ hai của cả nước trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm, với nhiều điểm mới theo quy định của Luật Quy hoạch.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và giành được kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực.
Việc lập quy hoạch trong thời kỳ này được tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, để thể hiện tất cả các nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện nhưng không bó cứng, đòi hỏi phải có tính linh hoạt, chặt chẽ.
Trong khi đó, quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là cấp dưới của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng nhưng các quy hoạch này lại chưa được lập, trừ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng tổ chức thẩm định để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy trình thực hiện theo phương pháp “đúng dần”. Đồng thời, khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt thì quy hoạch cấp dưới nếu có mâu thuẫn, xung đột với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung phản biện kỹ các nội dung quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh; tiếp thu, giải trình các ý kiến của bộ, ngành, các chuyên gia; hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua tổng hợp các ý kiến, Thường trực của Hội đồng thẩm định yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ thêm, như đánh giá tác động, ảnh hưởng của thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu. Bổ sung thêm luận cứ và cơ sở khoa học của việc đề xuất các mục tiêu quy hoạch bảo đảm khả thi và là cơ sở chuẩn xác cho các tính toán về cân đối nguồn lực liên quan…
Kết luận tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, tỉnh Hà Tĩnh muốn phát triển được trước hết phải dựa trên những cái mà tỉnh đang có như điều kiện tự nhiên, điều kiện về văn hóa, con người, hạ tầng giao thông … tận dụng các tiềm năng lợi thế đó để tìm ra đường hướng vững chắc, rõ ràng cho tỉnh.
Đồng thời chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý và các ý kiến phản biện, giải trình, làm rõ từng vấn đề, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu lập cần làm rõ hơn để đảm bảo sự tích hợp, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực nhất là trong việc tích hợp quy hoạch để sử dụng chung dữ liệu về điều tra, phân tích, đánh giá các yếu tố điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, thực trạng phát triển.
Tỉnh cũng cần đánh giá cụ thể hơn nữa những nguyên nhân, tồn tại và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, xác định lại bối cảnh mới và những tiềm năng, lợi thế và cơ hội mới. Lựa chọn các ngành mũi nhọn và xây dựng các ngành hỗ trợ. Từ đó sẽ phân tích để lựa chọn kịch bản phát triển cũng như phương án tăng trưởng đảm bảo tính thực tiễn và khoa học phù hợp với điều kiện cân đối và khai thác các nguồn lực trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.