Chuyện các tiểu vương quốc cổ đại thoát dịch bệnh trong kinh Phật
Trong kinh Phật có kể câu chuyện Đức Phật từng giúp một thành trì thoát khỏi thảm họa và dịch bệnh. Chuyện là, phía Bắc sông Gaṅga nhiều tháng ròng không có một giọt mưa. Thế là một thảm họa đổ xuống các tiểu bang ở đây, mà nơi gánh chịu nặng nề nhất là kinh thành Tỳ Xá Ly. Đất đai nứt nẻ, đồng ruộng, nương vườn khô cháy; mùa màng thất bát, nạn đói xảy ra khắp mọi nơi. Vì đói nên người chết rất nhiều, xác vứt ra ngoại thành, vì hôi thối nên dịch bệnh lan tràn.
Khi ấy, các đức vua và hội đồng tướng lĩnh của các tiểu bang cử một viên quan và đoàn tùy tùng đến thành Vương Xá, dâng lễ cúng dường Đức Phật, thỉnh Phật cứu giúp muôn dân. Trả lời mọi người, Đức Phật cho biết ba thảm họa ở thành Tỳ Xá Ly do ba nguyên nhân sau tương tác lẫn nhau: Thứ nhất là do nắng nóng khô hạn; Thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo; Thứ ba là do chư thiên, thiện thần, thiện dạ-xoa bỏ đi.
Đức Phật đã sắp xếp vua Tần Bà Sa La giúp đỡ 1000 tấn lương thực, thuốc men và cử các vị lương y giỏi nhất cứu giúp dân chúng Tỳ Xá Ly. Về phần ngài A Nan và 500 vị Tỳ-kheo học thuộc kinh Tam Bảo mà Đức Phật dạy, khi đến thành Tỳ Xá Ly, các ngài đi ba vòng quanh thành phố suốt đêm tụng kinh nói về uy lực Tam Bảo, khiến cả không gian chao đảo. Hôm sau, một trận mưa rất lớn kéo dài cả ngày khiến cho bao nhiêu xú uế tan đi mất, dịch bệnh cũng được tiêu trừ.
Đức Phật cũng thuyết Pháp cho vua quan tướng lĩnh các bài kinh và dạy họ cách sống làm sao để luôn được chư Thiên hoan hỷ, hộ trì. Nhân dân Tỳ Xá Ly cùng vua quan tướng lĩnh cảm ân Đức Phật đã cùng nhau hoàn thành công trình “Ngôi nhà nóc nhọn” để cúng dường chư Tăng, phát nguyện quy y Tam Bảo. Từ đó, thành Tỳ Xá Ly trở nên yên ổn, phát triển, vua quan, nhân dân sống theo chính Pháp của Phật.
Như vậy, giáo lý đức Phật, thông qua câu chuyện kể dịch bệnh ở thành Tỳ Xá Ly đã đưa ra những kiến giải về dịch bệnh. Đó là quy luật tự nhiên: Từ hạn hán đến nạn đói, từ nạn đói đến dịch bệnh. Nhưng quan trọng hơn, đó là sự vận hành của quy luật nhân quả: Do những người lãnh đạo không tốt, tạo nên ác pháp, từ đó thiện thần bỏ đi, không còn bảo hộ vùng đất, dẫn đến thiên tai dịch bệnh hoành hành… Sống đúng với chánh pháp, lương thiện thì người dân mới có thể đời đời hưởng bình an, sung túc.
Cạnh đó, Phật giáo còn có kinh Diệt trừ dịch bệnh. Kinh ra đời theo câu chuyện kinh đô Vesali bị hạn hán gay gắt, nạn đói đe doạ, bệnh dịch bắt đầu xuất hiện. Lúc bấy giờ Hoàng tử Mahali đến trước đức Vua và hội đồng hoàng tộc của xứ Licchavi, bày tỏ rằng do năm ngoái, nhiều người trong hoàng tộc Vesali đã ngạo mạn tự tôn không chịu tìm đến lắng nghe học hỏi giáo pháp vi diệu của Đức Phật khi người đến xứ Licchavi, nên họ tổn phước, khiến hạn hán nặng nề hơn các xứ khác. Hoàng tử đã dùng chính tính mạng đảm bảo nếu hoàng tộc Vesali chịu cung kính thỉnh Phật về đây thì tai ương sẽ chấm dứt.. Được sự cho phép của Vua, Hoàng tử đến thẳng tinh xá Trúc Lâm thỉnh Phật và được Phật nhận lời. Hoàng tử cho người cấp tốc phóng ngựa về báo trước với Vua. Khi phái viên vừa phóng ngựa về đến nơi báo tin thì cũng là lúc Đức Phật và một số vị Tỳ Kheo đi theo đã sắp vào đến biên giới Licchavi.
Bỗng nhiên bầu trời kéo mây đen kịt, sấm chớp ầm vang, rồi nước từ trời cao tuôn xối xả. Vua bật khóc, triều thần và nhân dân cả nước vui mừng reo hò, nhảy múa ca hát. Vua và hội đồng hoàng tộc Licchavi quá phấn khích, ra lệnh cờ lọng, xe kiệu, hoa hương, tuỳ tùng rất đông rời khỏi kinh thành trong mưa để đón Phật.
Sáng hôm sau, Phật gọi các Tỳ Kheo vào và bảo các vị hãy đi dạy cho dân chúng Vesali bài Kinh này để diệt trừ bệnh dịch cho họ, và bảo họ dạy tiếp cho những người khác nữa. Bài kinh này sẽ giúp họ tiêu trừ tật bệnh. Sau khi Phật thuyết pháp, nhiều hoàng tử xứ Licchavi xin xuất gia. Phật bảo tôn giả Kimbila ở lại Vesali để dẫn dắt sự tu tập cho các vị tân Tỳ Kheo này cho đến khi các vị này trở nên vững chãi.
Dịch bệnh, sự trừng phạt trong Kinh Thánh?
Tương tự như trong kinh Phật, kinh Cựu Ước cũng kể lại những dịch bệnh đáng sợ hoành hành, mà nguyên do là Thiên Chúa giáng tai ương và bệnh tật trên dân Người và trên những kẻ thù nghịch. Trong kinh kể, Chúa đã phán với Pharaô qua ông Môsê rằng: “Chính Ta sẽ giáng mọi tai ương xuống trên ngươi, trên bề tôi và dân ngươi, để ngươi biết rằng trên khắp mặt đất không có ai bằng Ta”. Thiên Chúa đã dùng các tai ương ở Ai-cập để buộc Pharaô phải thả dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ, đồng thời gìn giữ dân không bị tổn hại vì các tai ương ấy. Thiên Chúa cũng đã cảnh cáo dân về những hậu quả họ sẽ phải chịu vì bất tuân và phản nghịch trong đó có cả dịch bệnh “Các ngươi sẽ rút cả vào trong các thành của các ngươi, nhưng Ta sẽ gửi ôn dịch đến giữa các ngươi, và các ngươi sẽ bị trao vào tay kẻ thù”. Kinh Thánh kể rằng Thiên Chúa đã giáng tai ương giết chết 24.000 người Israel dâm đáng với dân Môáp và thờ thần Baan Pơo… Sau khi ban bố Luật Môsê, Thiên Chúa cảnh cáo dân sẽ phải chịu nhiều tai hoạ, trong đó có thứ tương tự bệnh Coronavirus: “Đức Chúa sẽ làm cho anh em bị suy mòn, nóng sốt, viêm, phỏng”.
Có thể thấy khá nhiều câu chuyện về các tai ương và bệnh tật mà theo Kinh Thánh là do Chúa làm. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Đức Chúa, vốn là “cha loài người”, khoan hòa, từ ái, lại có thể đem đến sự trừng phạt kinh khủng với các con của mình như thế. Nhưng kinh thánh cũng đưa ra lý giải, các hình phạt của Thiên Chúa luôn nhằm cho người ta hối cải và canh tân.
Và cũng có phần tương tự như kinh Phật, kinh Cựu Ước thường quy mọi sự về Thiên Chúa dù điều lành hay điều dữ và thường tìm cách giải thích các tai ương theo lối suy luận chuyện xảy ra sau là do chuyện trước mà có, theo đó, tai họa là hậu quả của tội lỗi và là sự trừng phạt của Thiên Chúa là vì tội lỗi con người: “Ai cũng sống theo tội lỗi của mình, nên sẽ không đứng vững… bởi vì cơn thịnh nộ của Ta đang đe doạ mọi người. Bên ngoài thì gươm đao, bên trong thì ôn dịch, đói kém. Ai ở ngoài đồng sẽ chết vì gươm đao, ai ở trong thành sẽ bị đói kém và ôn dịch nuốt chửng.”
Cựu Ước cũng như Tân Ước đều đưa ra cái nhìn đức tin: Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là chủ tể muôn loài muôn vật và lịch sử. Thiên Chúa có thể dùng mọi biến cố, kể cả dịch bệnh để dạy dỗ con người. Thiên Chúa luôn cứu con người khỏi dịch bệnh, khi họ kêu cầu, thống hối. Chính Đức Giêsu cũng mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Nhờ đó, con người được giải thoát khỏi tội lỗi, bệnh tật và cái chết.
“Món quà” tai họa giúp nhân loại sửa mình?
Có thể thấy, các giáo lý, kinh sách đã có những kiến giải về dịch bệnh tương đối giống nhau: Dịch bệnh bắt nguồn từ những tội lỗi của chính con người, là sự trừng phạt ở trên cao để con người có đức tin và sống tốt đẹp hơn.
Ngày nay, người ta lý giải dịch bệnh theo sự tiến bộ của khoa học. Thế nhưng, khởi phát của dịch bệnh chính xác là từ đâu, thì khoa học dù phát triển đến đâu vẫn chưa thể đưa ra nguyên nhân chính xác được. Có phải chăng, cuối cùng, con người cũng phải quay lại với giáo lý của Đức Phật, Đức Chúa và các đấng cứu giúp loài người, để hiểu rằng, dù từ đâu đến, thì virus và dịch bệnh quả thực cũng xuất hiện cùng với lòng tham lam, sự độc ác của con người. Và, có nên tin một cách lạc quan rằng, ngay cả virus Corona cũng là của vũ trụ, thượng đế gửi đến như một lời nhắc nhở để con người sửa mình?
Nói về đại dịch Covid 19 đang hoành hành, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có những lời nhắn nhủ đến toàn thể nhân loại trên tinh thần Phật giáo và Đức tin chân chính: “Phật Giáo tin rằng cả thế giới này có sự tương quan với nhau. Đó là lý do vì sao tôi hay nói về trách nhiệm với cộng đồng. Sự bùng nổ của đại dịch coronavirus đã cho chúng ta thấy rằng điều xảy ra với một cá nhân có thể nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều cá nhân khác. Nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng từ bi hay những hành động góp nhặt - dù là khi bạn làm việc trong bệnh viện, hay tuân thủ cách ly xã hội - đều có giúp ích rất nhiều.
Cuộc khủng hoảng này đã buộc chúng ta sống có trách nhiệm mọi lúc có thể. Chúng ta phải biết ơn những y bác sĩ dũng cảm, cùng nền khoa học thực tiễn đang ngày ngày nỗ lực để xoay chuyển tình hình và bảo vệ tương lai của chúng ta khỏi mối hiểm họa này.
Trong thời kỳ đáng sợ này, điều quan trọng là chúng ta phải nghĩ về những thách thức và tương lai dài hạn của hành tinh. Những bức ảnh chụp từ vũ trụ đã cho ta thấy rõ ràng rằng không có bất kì ranh giới thực sự nào trên hành tinh xanh cả. Vì thế, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chăm sóc nó, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu và những mầm mống hủy diệt khác. Đại dịch lần này như một lời cảnh báo rằng chỉ khi toàn thế giới cùng chung tay nhau, chúng ta mới có thể đối mặt với những thách thức khác lớn hơn trong tương lai”.