Dịch tả lợn Châu phi tái phát tại Thanh Hoá

(PLVN) - Huyện Nông Cống (Thanh Hoá) là địa phương mới nhất công bố xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Sau một thời gian tạm lắng, dịch bệnh này đang có nguy cơ bùng phát trở lại.
Dịch tả lợn Châu phi tái phát tại Thanh Hoá

Theo báo cáo của UBND xã Tế Nông (Nông Cống), dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khuê (thôn Tế Độ) vào ngày 10/5 khi một số con lợn bị ốm và có biểu hiện mắc bệnh tả lợn châu Phi.

Gia đình ông Khuê đã báo cáo với UBND xã Tế Nông và đến ngày 11/5, cơ quan thú y huyện Nông Cống đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Theo kết quả được công bố ngày 12/5, mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của lợn nhà ông Khuê đã dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. Ngày 13/5, UBND xã Tế Nông và cơ quan chức năng của huyện Nông Cống đã tiến hành tiêu hủy 8 con lợn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khuê.

Huyện Nông Cống đã chỉ đạo xã Tế Nông, các đơn vị chức năng có liên quan của huyện thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn tại các hộ nuôi theo quy mô gia trại, trang trại trên địa bàn xã Tế Nông, đồng thời tiến hành tổng vệ sinh phun thuốc, hóa chất tiêu độc, khử trùng tại tất cả các chuồng trại nuôi lợn trên địa bàn 1 lần/ngày, thực hiện liên tục trong tuần đầu tiên công bố dịch.

UBND xã Tế Nông cũng đã ban hành lệnh cấm vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn; thành lập các chốt kiểm dịch, trực 24/24 giờ kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn xã. Trước đó trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá một số địa phương đã xuất hiện dịch tả Lợn Châu phi như; Yên Định, Thiệu Hoá, Thường Xuân, Đông Sơn, Tp Thanh Hoá…

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; bệnh có đặc điểm lây nhanh trên loài lợn, không gây nhiễm, lây bệnh cho người và các động vật khác, hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa nên lợn nhiễm bệnh bị có nguy cơ tử vong 100%; đồng thời, bệnh DTLCP khó xác định cụ thể các hình thức lây truyền nguồn bệnh nên các biện pháp khống chế và ngăn chặn bệnh DTLCP chưa triệt để, hiệu quả. Trên thế giới từ năm 2017 đã có hơn 20 quốc gia xuất hiện bệnh DTLCP, buộc phải tiêu hủy khoảng 1,09 triệu con; tại Việt Nam, từ ngày 1/2/2019 đến nay bệnh DTLCP đã xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố vớỉ 245 xã, 58 huyện có lợn bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy gàn 30 nghìn con.

Riêng tại Thanh Hóa, mặc dù cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP, bảo vệ đàn lợn của tỉnh và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP nhưng do nhiều nguyên nhân, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 28 hộ thuộc 17 thôn, 15 xã của 3 huyện Yên Định, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, buộc phải tiêu hủy 1.230 con lợn và nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao và nghiêm trọng nếu các cấp chính quyền, người chăn nuôi không không quyết liệt trong thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khống chế.

Đọc thêm