Điểm sáng kinh tế miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Nghệ An vẫn duy trì được đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2021 ước đạt 6,2%.
Một góc cửa ngõ thành phố Vinh từ trên cao.
Một góc cửa ngõ thành phố Vinh từ trên cao.

Nỗ lực vượt bậc

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, đại dịch COVID-19 gây hậu quả nặng nề đối với quá trình phát triển, nhưng bức tranh kinh tế Nghệ An vẫn có nhiều điểm sáng. Trong năm, cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân sự, công an, biên phòng, các lực lượng cơ sở... Bởi thế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát và thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Với sự nỗ lực vượt bậc, kinh tế Nghệ An đã duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch COVID-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt khoảng 90.014 tỷ đồng, tăng 6,25% so với năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy hải sản ước đạt 19.427 tỷ đồng (tăng 5,21%); khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 29.179 tỷ đồng (tăng 14,05%); khu vực dịch vụ ước đạt 36.791 tỷ đồng (tăng 1,24%).

Cụ thể, dù trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt hơn 352 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt hơn 1.246 nghìn tấn. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đưa các giống có năng suất, chất lượng vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng chuyển dịch cây trồng vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, nhu cầu thị trường và diễn biến của dịch bệnh; đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp bán công nghiệp và trang trại.

Về sản xuất công nghiệp, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Một số nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu năm và có sản phẩm thương mại ổn định như xi măng Tân Thắng, may An Hưng... Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2021 tăng 16,03%.

Năm 2021, hoạt động xuất khẩu là điểm sáng trong bối cảnh bị ảnh hưởng tác động của dịch COVID-19. Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự ước cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.610 USD, tăng 43,4% so với năm 2020.

Nguồn huy động vốn và dư nợ của các ngân hàng đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được kiểm soát dưới mức cho phép; hoạt động thanh toán thông suốt, an toàn. Ước tính đến cuối năm 2021, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt khoảng 175.291 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước thực hiện 17.678 tỷ, đạt 126% dự toán trình HĐND tỉnh điều chỉnh và bằng 99,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Về công tác thu hút đầu tư, tính đến ngày 30/11/2021, tỉnh Nghệ An đã cấp mới 106 dự án; điều chỉnh 118 lượt dự án; tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 28.072 tỷ đồng, tăng 41,3% về số lượng dự án và gấp 2,9 lần số vốn đầu tư đăng ký so cùng kỳ năm 2020. Thành lập mới 2.323 doanh nghiệp, tăng 6,7% cùng kỳ; có 799 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 183 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2020.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Nghệ An sẽ tạo nên “kỳ tích sông Lam”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Nghệ An sẽ tạo nên “kỳ tích sông Lam”.

Thích ứng an toàn trong giai đoạn mới

Năm qua, dù chưa có những đột phá lớn nhưng Nghệ An đã liên tục phát triển ổn định. Cùng với nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống hạ tầng từng bước được xây dựng đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện.

Dự kiến năm 2021, Nghệ An có thêm 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế toàn tỉnh có 300 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,99%, có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Thành tựu của nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, diện mạo nhiều vùng nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên, môi trường ngày càng được chú trọng bảo vệ.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là tập trung triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Công tác tổ chức đón công dân Nghệ An từ vùng dịch trở về đảm bảo an toàn, chu đáo. Thực hiện tốt kết nối cung - cầu, giải quyết việc làm cho người lao động. Ước tính năm 2021, Nghệ An giải quyết việc làm cho 38.850 người. Các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao... kịp thời thích nghi với điều kiện dịch bệnh.

Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính và thực hiện phương châm “nhanh - đúng - hiệu quả” trong tham mưu, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và triển khai hiệu quả hơn các dịch vụ công trực tuyến… Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện của nhân dân tiếp tục được quan tâm và tạo chuyển biến tích cực.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý.

Bước sang năm 2022, trước những cơ hội và thách thức mới, Nghệ An đưa ra những mục tiêu mới bằng việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội...

Những mục tiêu đó cũng được Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh tại Kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa 18. Theo Bí thư Tỉnh ủy, thời gian tới Nghệ An cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

Ngày 13/11/2021 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 4 Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để Nghệ An có điều kiện tạo ra những bước đột phá trong thời gian tới. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Nghệ An diễn ra trước thềm Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kết quả Nghệ An đạt được thời gian qua là rất đáng biểu dương và cội nguồn của thành công đó chính là tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Chủ tịch nước mong muốn Nghệ An sẽ tạo nên “kỳ tích sông Lam” mà cả nước đều mong đợi.

Chủ tịch nước cũng khẳng định Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, trách nhiệm và tình cảm đối với Nghệ An - quê hương của Bác Hồ kính yêu. Cùng với việc phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thấm nhuần sâu sắc quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Đảng ta, Nghệ An cần quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của văn hóa, con người xứ Nghệ.

Đọc thêm