Theo đó, huyện Điện Biên đã triển khai đo đạc tại thực địa tại 5/21 xã trong huyện (gồm Phu Luông, Mường Pồn, Hua Thanh, Mường Lói, Núa Ngam), triển khai thông báo kết quả đo đạc, khảo sát ngoài thực địa, chỉ mốc giới ngoài thực địa tại 2/21 xã Phu Luông và Mường Pồn. Đồng thời xây dựng phương án trình HĐND xã thông qua tại xã Phu Luông với diện tích 3.058,31 ha và xã Mường Pồn với diện tích 1.612,26 ha. Hiện tại, xã Phu Luông và xã Mường Pồn đã thực hiện xong việc niêm yết công khai phương án GĐGR và công khai mảnh trích đo.
Tại xã Phu Luông, đã hoàn thành việc đo đạc trên thực địa với tổng diện tích là 3.929,6 ha (đất có rừng là 2.100,16 ha, đất chưa có rừng 1.829,44 ha), phần diện tích đủ điều kiện lập phương án GĐGR là 3.161,21 ha (diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng và ngoài vùng quy hoạch định hướng phát triển cây Mắc ca).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác GĐGR, cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Điện Biên còn gặp một số khó khăn, tồn tại, hạn chế. Tại một số địa bàn thôn, bản chưa nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc thực hiện; Một số xã có dự án phát triển cây Mắc ca chưa thực hiện đo đạc để GĐGR theo kế hoạch. Một số trường hợp chưa thống nhất về ranh giới, còn tranh chấp.
Tại buổi làm việc, ông Lò Văn Tiến đã ghi nhận kết quả thực hiện công tác GĐGR của huyện Điện Biên, nhưng so với kế hoạch chung của tỉnh vẫn còn chậm tiến độ. Đối với những kiến nghị của huyện, đoàn công tác tiếp thu toàn bộ ý kiến để giải quyết trong thời gian sớm nhất.
“Thời gian tới, huyện Điện Biên cần thống nhất quan điểm tập trung đo đạc, quy chủ, giao đất lâm nghiệp chưa có rừng theo quy hoạch; điều chỉnh, giải quyết một số bất cập. Đối với những diện tích đất đang có tranh chấp cần khoanh lại, thực hiện giao những diện tích đất không tranh chấp. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo huyện cần tập trung tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ đây là quyền lợi của mình mà thực hiện cho tốt”, Phó Chủ tịch tỉnh nói.