Điện Biên phục dựng lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông tại xã Nà Bủng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trải qua thời gian dài không được duy trì, lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Năm 2022, lễ hội sẽ được phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông xã Nà Bủng nói riêng và người Mông tỉnh Điện Biên nói chung, lễ hội Gầu tào được tổ chức vào dịp tết nguyên đán đầu xuân hàng năm. Ngoài ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần núi, thần sông đã ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng nhà nhà bội thu; ban cho con cái để nối dõi gia đình, dòng họ… lễ hội còn là dịp để đồng bào người Mông sum vầy, đoàn tụ sau một năm lao động vất vả.

Lễ hội Gầu tào có thể do một gia đình, một dòng họ hay một làng bản đứng ra tổ chức. Lễ hội được diễn ra tại một khu đất rộng để thuận lợi cho việc tổ chức nghi lễ và tham gia phần hội của bà con các bản. Lễ vật dâng cúng là đóng góp chung của bà con các bản trong xã dâng cúng các vị thần linh để cầu sức khỏe, may mắn, sinh sôi phát triển, không ốm đau bệnh tật cho bà con các thôn bản.

Lễ hội gồm 2 phần lễ và phần hội, ở phần lễ, trước đó gia chủ trồng một cây nêu, trên thân cây có dán giấy đỏ hoặc vàng; cắt hình nhân treo lên ngọn cây nêu. Vào lễ, gia chủ chuẩn bị một mâm cúng gồm 1 chiếc đầu lợn, 1 đôi gà trống mái tất cả đều được luộc chín; cùng với một bát cơm, quả trứng, đĩa xôi, một bó lúa, một bó bắp ngô và chút hương, giấy bản... để tạ ơn trời đất, thần linh đã cho gia đình, làng bản mạnh khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu.

Sau khi gia chủ hoặc thầy mo, trưởng bản làm những thủ tục lễ bái, tất cả bà con trong bản đều đến tập trung đông đủ. Sau khi làm lễ tạ ơn trời đất, thần linh xong, nhân dân trong bản mới tổ chức ăn uống chúc tụng nhau.

Sau khi gia chủ làm xong các thủ tục quan trọng thì mới chuyển sang phần hội. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, từ trò chơi đến ca hát, nhảy múa, đồng thời là dịp để các chàng trai, cô gái thể hiện tài năng, sự khéo léo. Trong hội Gầu Tào sẽ có rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn của dân tộc Mông, tiêu biểu như: Đánh yến, đánh sảng, đánh cù, đấu võ, đua ngựa, bắn nỏ, múa khèn, thổi sáo....

Dù mang nhiều giá trị, nhưng hiện nay Lễ hội Gầu tào của người Mông tại Điện Biên nói chung, ở xã Nà Bủng nói riêng, đang dần mai một, vì đã được khoảng 30 năm không được tổ chức và duy trì, các nghệ nhân đều đã cao tuổi trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Hơn nữa, thế hệ trẻ ngày càng không mặn mà với việc tham gia các nghi lễ cũng như các hoạt động trình diễn truyền thống trong lễ hội.

Trước tình hình trên, năm 2022, UBND huyện Nậm Pồ giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ trì phối hợp với phòng chuyên môn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo Tàng tỉnh tiến hành phục dựng lễ hội Gầu tào dân tộc Mông tại xã Nà Bủng.

Bên cạnh lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, lễ hội truyền thống cũng sẽ được huyện Nậm Pồ khảo sát và phục dựng trong thời gian tới như lễ “Gội đầu” dân tộc Thái; Lễ “Cấp sắc” dân tộc Dao, hỗ trợ phát triển Mô hình Tổ liên kết thêu, may trang phục truyền thống dân tộc Mông tại xã Nà Bủng và Mô hình làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang) tại xã Phìn Hồ… Thông qua đó, thực hiện tốt kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc thêm