Diễn đàn Dịch vụ Tài chính & Ngân hàng mở 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 17/6, tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn Dịch vụ Tài chính & Ngân hàng mở 2022 với chủ đề Phát triển Hệ sinh thái Tài chính số tại Việt Nam - Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng và bứt phá đã chính thức được khai mạc.
Diễn đàn Dịch vụ Tài chính & Ngân hàng mở 2022

Sự kiện do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam đồng tổ chức.

Diễn đàn Dịch vụ Tài chính & Ngân hàng mở 2022 được tổ chức trong bối cảnh định hướng đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số. Về sự phát triển của ngân hàng mở, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai hoạt động Open Banking ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2019, một vài ngân hàng đã cho ra mắt các nền tảng API để có thể kết nối với các đối tác trong cùng một hệ sinh thái.

Đối với chứng khoán, nhờ vào các sản phẩm công nghệ như eKYC và Blockchain mà các tài khoản giao dịch tăng nhanh (tính đến ngày 30/4/2021, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đã vượt 3,103 triệu tài khoản, trong đó 3,091 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân).

Bên cạnh đó, đối với ngành bảo hiểm tại Việt Nam, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16.71% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3.98% so với cùng kỳ 2020; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều này cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính số đang được đầu tư và đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều. Các dịch vụ tài chính số là lĩnh vực còn mới, nên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn dẫn tới kìm hãm sự phát triển, công tác quản lý, giám sát hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái tài chính số còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Quang Hiển, Tổng Giám đốc Công ty CP Miraway Giải pháp Công nghệ phát biểu tại diễn đàn.Ông Nguyễn Quang Hiển, Tổng Giám đốc Công ty CP Miraway Giải pháp Công nghệ phát biểu tại diễn đàn.

Không chỉ vậy, theo The Financialbrand.com, với xu hướng chia sẻ dữ liệu trở nên mạnh mẽ trong năm 2022, mô hình Ngân hàng mở (Open Banking) sẽ ngày càng phát triển, tạo ra nhiều biến đổi toàn diện với ngành tài chính ngân hàng.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng chia sẻ về bức tranh toàn cảnh về dịch vụ tài chính cả khu vực và trong nước, đưa ra những kiến nghị, giải pháp công nghệ nhằm phát triển dịch vụ tài chính và ngân hàng mở, tạo tiền đề cho tài chính số toàn diện tại Việt Nam.

Đại diện Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Tổng Giám đốc đánh giá, ngành dịch vụ tài chính đang bị ảnh hưởng bởi sự phát triển công nghệ, cụ thể là chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số mặc dù tác động đến ngành ngân hàng chưa ở mức quá cao tuy vậy khối lượng giao dịch ở các chi nhánh, điểm giao dịch ngân hàng có xu hướng giảm.

Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã bắt đầu mở các quy trình và dữ liệu ngân hàng như một phương tiện gia tăng cạnh tranh và cho phép khách hàng kiểm soát nhiều hơn đối với dữ liệu cá nhân. Các năng lực cốt lõi hỗ trợ hệ sinh thái ngân hàng mở, như khung pháp chế được thiết lập chặt chẽ. Trách nhiệm pháp lý và quản lý tranh chấp cần được thiết lập rõ ràng và thống nhất giữa các bên.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định, hướng dẫn riêng và đầy đủ về ngân hàng mở; thách thức lớn trong việc triển khai ngân hàng mở là chưa có quy định hướng dẫn về Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…) cũng như tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối.

Hiện các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang chủ yếu dựa vào Thông tư 39 từ năm 2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có các điều khoản cho phép ngân hàng được hợp tác với bên thứ ba cung cấp dịch vụ tài chính và các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành quy định về ngân hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, các điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo mật thông tin khách hàng…

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm và dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động ngân hàng mở, đồng thời cũng nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở để hướng tới một hệ thống ngân hàng mở, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số mà còn tạo sân chơi bình đẳng trong hệ thống các ngân hàng.

Trong tham luận Self Service kiosk - Giải pháp tự động thông minh nâng cao hiệu suất và giảm chi phí vận hành ứng dụng trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, ông Nguyễn Quang Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miraway giải pháp doanh nghiệp cho hay, trong hơn 15 năm phát triển, Miraway đã phát triển và cung cấp giải pháp CEM đa kênh tổng thể cho hơn 500 khách hàng tại Việt Nam và các quốc gia khác như Peru, Myanmar, Lào, Đông Timor...

Giải pháp của Miraway cho phép doanh nghiệp cung cấp các hành trình của khách hàng liền mạch ở mọi điểm tiếp xúc, bên trong và bên ngoài chi nhánh, đáp ứng nhu cầu của cả khách hàng và doanh nghiệp nhu cầu. Theo đó, một máy tự phục vụ cho phép khách hàng tự thực hiện các dịch vụ như mở tài khoản ngân hàng, in thẻ, rút tiền, bán thẻ sim, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn… 24/7. Đáng chú ý, bất kỳ sự kết hợp nào của các thành phần kiosk đều có thể được tùy chỉnh và cung cấp, tùy thuộc vào các dịch vụ được cung cấp và các yêu cầu cụ thể khác.

Ngoài ra, xét về hiệu quả kinh tế, giá trị của Máy tự phục vụ (SELF-KIOSK) giúp việc mở rộng sang các địa điểm mới chỉ bằng 5% chi phí mở chi nhánh; giảm chi phí nhân viên; chi phí đi lại cho khách hàng; phục vụ được những khu vực dân cư chưa tiếm cận với ngân hàng…

Nói về nguyên nhân chưa thành công trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng do xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện vì chuyển đổi số không chỉ ở ứng dụng công nghệ mà còn phải là thay đổi tư duy.

Theo ông Ngoạn, người tiêu dùng đòi hỏi sự thay đổi dịch vụ tài chính dành cho họ, họ muốn cá nhân hóa, muốn có thông tin theo thời gian thực 24/7 và muốn dịch vụ tài chính có thể tiếp cận nhiều kênh một cách liền mạch. Thay đổi này đặt doanh nghiệp trước thách thức bắt buộc phải chuyển đổi số, phải đổi mới sáng tạo để tồn tại.

Còn theo bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, akaBot cho rằng, một trong những việc quan trọng mà doanh nghiệp cần phải thay đổi, đó chính là chiến lược quản trị thay đổi. Không chờ thay đổi đến để đáp ứng, mà cần chủ động dẫn dắt và quy hoạch mọi sự thay đổi.

Đọc thêm