EVNHCMC cho biết, các tháng 3, 4, 5 hằng năm, tại khu vực TP HCM là đỉnh điểm của giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ thời tiết có thể lên hơn 370C và cảm nhận nhiệt độ buổi trưa có thể lên đến trên 400C do hiện tượng bức xạ nhiệt.
Dự báo sản lượng mùa nóng năm 2022 trong tháng 4-5 sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cùng kỳ của 2021 là 5,7%. Đặc biệt, EVNHCMC cũng cho rằng, nhu cầu sử dụng điện của nhóm khách hàng sinh hoạt tiếp tục tăng cao so với 2 tháng đầu năm do việc tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, điều hòa, đặc biệt là thiết bị làm lạnh. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trong các tháng 3, 4, 5 của nhóm khách hàng sinh hoạt sẽ tăng từ 14,15% đến 38,34% so với các tháng đầu năm 2022.
Phân tích các số liệu, EVNHCMC cho hay, người tiêu dùng có tiêu thụ điện dưới 500 kWh/tháng có mức tăng tiền điện so với mức tăng điện năng tiêu thụ tương đối cao khi sử dụng điện nhiều hơn (từ 7% đến 18%). Ngược lại, nhóm khách hàng tiêu thụ trên 500kWh/tháng có mức tăng tiền điện so với mức tăng điện năng tiêu thụ thấp khi sử dụng điện nhiều hơn (chỉ từ 1% đến 4%).
Để khách hàng có thể chủ động kiểm soát chi phí trả tiền điện, giảm đến thấp nhất ảnh hưởng do nhu cầu sử dụng điện và thời gian sử dụng điện tăng cao so với thời điểm bình thường, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng cần tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, thường xuyên theo dõi sản lượng điện sử dụng hàng ngày qua App EVNHCMC CSKH.
Về phần mình, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn và ổn định, EVNHCMC chỉ đạo các đơn vị triển khai một số giải pháp tiết kiệm điện như sau: Chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm điện, các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất; Triển khai ngay các chương trình chăm sóc khách hàng lớn, khách hàng cơ quan, công sở, tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm điện, vận động khách hàng tham gia; Thực hiện nghiêm công tác tiết kiệm điện tại trụ sở làm việc (bao gồm cả nhà điều hành các trạm trung gian, kho vật tư, bến bãi…) để trở thành trụ sở điển hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
EVNHCMC cũng cho biết, hiện tại, lưới điện thành phố đang có mức độ dự phòng công suất truyền tải là 41% (chưa kể các công trình đang cải tạo và xây mới). Với năng lực này, EVNHCMC hoàn toàn đáp ứng được với công suất tiêu thụ cực đại hiện nay của khu vực thành phố. Tuy nhiên, EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm 2022 với các kịch bản vận hành lưới điện trong điều kiện phụ tải tăng cao bất thường để chủ động nguồn điện cung cấp cho thành phố, nhất là vào mùa khô năm 2022.
Đơn vị cam kết đảm bảo điện cho thành phố phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là công tác cung cấp điện cho các cơ sở phòng chống dịch theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.
Theo EVNHCMC, trong năm 2022, EVNHCMC sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình ngầm hóa. Dự kiến sẽ hoàn thành 28 dự án trên các tuyến đường lớn với khối lượng ngầm hóa dự kiến 137,4km trung thế và 237,6km hạ thế. Đồng thời, EVNHCMC sẽ khởi công 40 dự án với khối lượng ngầm hóa dự kiến 187km lưới trung thế và 220km lưới hạ thế.
Dự kiến trong giai đoạn 2023-2025, EVNHCMC tiếp tục thực hiện ngầm hóa với khối lượng 356km trung thế và 524km hạ thế, nỗ lực để đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu ngầm hóa 500km trung thế và 800km hạ thế theo kế hoạch UBND TP HCM.
EVNHCM đã phát triển ứng dụng EVNHCMC CSKH với nhiều tính năng như theo dõi lượng điện tiêu thụ, báo sự cố, nhận hóa đơn điện tử, đăng ký dịch vụ trực tuyến, so sánh sản lượng điện cùng kỳ… Ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động, giúp khách hàng thường xuyên theo dõi tình hình sử dụng điện hàng ngày/tháng, để có giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.