Diện mạo phố thị của huyện nhiều 'tỷ phú nông dân' ở Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một trong những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa lộ trình xây dựng huyện An Dương, TP Hải Phòng, lên đơn vị hành chính cấp quận như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Lãnh đạo TP kiểm tra tiến độ xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Đồng Thái.
Lãnh đạo TP kiểm tra tiến độ xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Đồng Thái.

Địa phương có nhiều “tỷ phú nông dân”

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, những năm qua, huyện ủy An Dương đã ban hành nhiều nghị quyết và xây dựng Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2010 - 2020 gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái.

Qua 5 năm đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, tổng nguồn lực thực hiện 760 tỷ đồng. Năm 2015, số xã đạt chuẩn NTM 4/15 xã, nhưng chỉ hết 2018, An Dương đã trở thành huyện đầu tiên 100% số xã được công nhận xã NTM, hoàn thành trước 2 năm theo kế hoạch của TP.

An Dương cũng là huyện thứ 2 của TP cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, hoàn thiện hồ sơ trình xét công nhận huyện đạt chuẩn huyện NTM trong 2020. Trên 460km đường giao thông nông thôn đã được xây dựng, cải tạo. Nhân dân đóng góp 239 tỷ đồng, hiến tặng 67.438m2 đất, 67/132 thôn đạt tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu.

Trong quá trình triển khai, An Dương luôn đặt việc hoàn thành các tiêu chí gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân lên hàng đầu. Một trong những thành công ấn tượng là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững. Từ những cánh đồng hoa, cây cảnh tại xã Đặng Cương, Đồng Thái, Hồng Thái, Lê Lợi..., đã có những tỷ phú mức thu nhập 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Huyện có 80 cánh đồng tổng diện tích 1.112ha; diện tích trồng hoa, cây cảnh 500ha, tăng 215ha so với 2015.

Là 1 trong 8 xã được TP Hải Phòng lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu trong 2020, xã Đồng Thái đã đạt 15/17 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu TP ban hành. Hai tiêu chí còn lại là giao thông, môi trường sẽ được phấn đấu hoàn thành trong 2021.

Ở giai đoạn 1, Đồng Thái đã thực hiện thí điểm 3 tuyến đường giao thông với thiết kế mặt đường rộng 9m; 7m; 5,5m; thi công 1 tuyến đường điện chiếu sáng ngõ xóm. 184 hộ dân hiến 2.414m2 đất ở; 20 hộ dân hiến 2.500m2 đất nông nghiệp, giá trị gần 38 tỷ để mở rộng các tuyến đường. Huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc trên diện tích đất dân hiến tặng và chi trả tiền cho 169 hộ giá trị 6,28 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 2, Đồng Thái được đầu tư hơn 100 tỷ xây dựng 14 tuyến đường còn lại. Sau khi rà soát phóng tuyến, tổng diện tích vận động dân hiến đất khoảng 1,2ha; kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc 27,5 tỷ; đã kiểm kê vật kiến trúc gần 800 hộ tại xã.

Những tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu dần hoàn thiện vóc dáng đô thị cho xã Đồng Thái.

Những tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu dần hoàn thiện vóc dáng đô thị cho xã Đồng Thái.

“Khó đến đâu gỡ đến đó”

Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã cho biết, khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM kiểu mẫu là giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, thông tin huyện lên quận trước 2025 đã “thổi” giá đất tăng lên chóng mặt. Chỉ sau hơn 1 năm, những khu đất sát đường thôn, xóm trước đây giá 6-7 triệu đồng/m² nay bị “hét” 15 - 17 triệu đồng/m2. Các tuyến đường trung tâm có nơi rao tới 25 - 30 triệu/m2.

“Tại Đồng Thái, có hộ hiến tới 100 - 120m2 đất, hộ hiến ít nhất 5 - 7m2 đất. Trong khi giá đất tăng cao, việc người dân hiến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng tiền đất là đáng quý. Ước tính, trong cả hai giai đoạn, với hơn 1,4ha đất thổ cư hiến tặng, dân Đồng Thái đóng góp hơn 140 tỷ đồng”, ông Thùy chia sẻ.

Với phương châm “khó đến đâu gỡ đến đó”, thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị của huyện cũng như xã sẽ tiếp tục dốc sức vận động, thuyết phục 3 hộ chưa nhất trí hiến đất để người dân hiểu và đồng thuận.

Theo thống kê, toàn bộ gói thầu xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn xã đã tổ chức lựa chọn xong nhà thầu thi công, giá trị khối lượng thi công trung bình đạt từ 60 - 70%. Dự kiến, trong tháng 9, các nhà thầu cơ bản thi công hoàn thành các hạng mục thoát nước, nền mặt đường, vỉa hè các tuyến đường.

Tới Đồng Thái, ai cũng ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê này. Đường trải nhựa phẳng lỳ, kẻ vạch sơn, hai bên vỉa hè lát gạch có hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh… không khác một tuyến phố tại trung tâm TP Cảng. Các tuyến đường trục xã, trục thôn và trục xóm được xây dựng, cải tạo bài bản đã tạo nên vóc dáng đô thị cho xã.

Bà Trương Thị Linh (thôn Minh Kha) vui vẻ: “Chưa bao giờ tôi thấy quê mình đẹp như thế. Với chủ trương xây dựng NTM kiểu mẫu, gia đình tôi đã họp bàn và nhất trí hiến 120m2 đất để mở đường”.

Ngoài Đồng Thái, để đảm bảo lộ trình lên đơn vị hành chính cấp quận, An Dương đã kiến nghị TP tăng số lượng các xã xây dựng NTM kiểu mẫu đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ và đề xuất theo thứ tự ưu tiên: xã Quốc Tuấn, An Hòa, Đặng Cương, An Hưng.

Tại cuộc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Dương mới đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Với 70% dân số sống tại nông thôn, việc hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM kiểu mẫu tại An Dương cần kết hợp hài hòa giữa đầu tư cở sở hạ tầng hợp lý với chuyển hướng để người dân chuyển đổi sản xuất. Không nên thiên về việc đầu tư cơ sở hạ tầng để được công nhận số lượng tiêu chí; mà chỉ nên coi đó là phương tiện, bước đi trong chặng đường xây dựng NTM kiểu mẫu. Mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao để cho cuộc sống của người dân được no ấm, tốt đẹp hơn”.

Đọc thêm