Điệp viên giúp tạo thế cân bằng sức mạnh thời Chiến tranh Lạnh

(PLVN) - Được đặt biệt danh “điệp viên hạt nhân quan trọng bậc nhất lịch sử”, Klaus Fuchs là nhà vật lý từng tham gia dự án phát triển bom nguyên tử Manhattan của Mỹ. Chính ông ta đã chuyển cho Liên Xô những bí mật vô cùng quan trọng liên quan đến quá trình sản xuất bom nguyên tử, giúp tạo thế cân bằng sức mạnh ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Năm 1979, Klaus Fuchs được nhận Huân chương danh dự Karl Marx, phần thưởng cao nhất ở Cộng hòa dân chủ Đức
Năm 1979, Klaus Fuchs được nhận Huân chương danh dự Karl Marx, phần thưởng cao nhất ở Cộng hòa dân chủ Đức

Hơn bốn năm sau ngày Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, Nhật Bản, tháng 8/1949, Liên Xô cũng đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của nước này. Sốc trước bước phát triển quá nhanh đến mức không ngờ của người Nga, giới chức Mỹ đã ngay lập tức điều tra về khả năng xảy ra rò rỉ thông tin trong quá trình thực hiện dự án phát triển hạt nhân của họ. Quả thực, vài tháng sau, một đường dây gián điệp chuyên chuyển tin tình báo của Mỹ cho Liên Xô đã bị bóc gỡ, trong đó có một nhà khoa học người Anh tên Klaus Fuchs.

Niềm tin sắt đá

Klaus Fuchs sinh năm 1911 tại Đức trong một gia đình có cha là một  mục sư. Năm 1930, ông theo học ngành toán học và vật lý tại trường Đại học Leipzig, nơi cha ông dạy môn thần học. Về sau, khi cha của ông nhận nhiệm vụ mới là giáo sư về tôn giáo tại trường Đại học Kiel, Fuchs và các anh em cũng chuyển sang trường này học. 

Năm 1932, Fuchs và tất cả ba anh chị em của ông cùng gia nhập Đảng Cộng sản Đức. Trong đó, Fuchs và em trai tên Gerhard là những diễn giả tích cực tại các cuộc họp công khai của đảng. Thi thoảng họ cũng tham gia các hoạt động phản đối đảng của Hitler. Trong một sự kiện như vậy, Fuchs đã bị đánh đập dã man và bị ném xuống sông. Chính vì vậy nên khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, tháng 9/1933, ông phải chạy sang Anh để tránh bị truy tố.

Tại Anh, Fuchs được nhận làm trợ lý cho giáo sư vật lý Nevill Mott ở trường Đại học Bristol. Sau khi nhận được bằng tiến sỹ vật lý vào năm 1937, ông bắt đầu làm việc tại trường Đại học Edinburgh và có thêm một bằng tiến sỹ khoa học nữa. Năm 1939, Fuchs nộp đơn xin trở thành công dân Anh nhưng khi lá đơn chưa được duyệt thì Chiến tranh thế giới II đã bùng nổ. Trong bối cảnh tâm lý bài Đức gia tăng lúc bấy giờ, do là một người Đức nên Fuchs đã bị cảnh sát bắt giữ. 

Ban đầu, ông bị giam ở một hòn đảo của Anh rồi về sau bị đưa tới Canada. Trong suốt thời gian này, ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu và đã cho ra đời bốn báo cáo, trong đó có công trình nghiên cứu có tên Phương pháp thống kê trong lý thuyết hạt nhân.

Sau chín tháng bị giam giữ, nhờ được một giáo sư có uy tín ở Anh bảo lãnh, Fuchs được thả ra và được đưa trở lại Edinburgh, Anh để tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Nhìn thấu được tài năng của ông nên Rudolf Peierls, đồng tác giả một báo cáo về khả năng chế tạo một “siêu bom” sử dụng năng lượng hạt nhân nguyên tử, mời ông tham gia dự án nghiên cứu bom hạt nhân của Anh có mật danh “Tube Alloys”. 

Dù giới chức Anh lúc bấy giờ áp những quy định hạn chế trong thời chiến nhưng với vai trò quan trọng của mình, tháng 8/1942, Fuchs vẫn được cấp quyền công dân Anh sau khi ký vào mẫu tờ khai theo Đạo luật bí mật chính thức của Anh, theo đó cam kết không chuyển các bí mật nhà nước có liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia của Anh cho các Chính phủ nước ngoài. 

Sau khi được nhập tịch Anh, Fuchs tiếp tục cùng cộng sự tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng, trong đó có nghiên cứu về tách đồng vị phóng xạ. Trong suốt quá trình làm việc, với tư tưởng ủng hộ chủ nghĩa cộng sản nên Fuchs vẫn luôn canh cánh trong lòng ý nghĩ cần phải làm một điều gì đó.

Cuối cùng, ông quyết định liên lạc với một giảng viên ở trường Đại học kinh tế London tên Jurgen Kuczynski và được người này kết nối với tùy viên quân sự của Liên Xô tại Đại sứ quán Liên Xô ở Anh. Sau cuộc gặp, Klaus Fuchs chính thức trở thành một điệp viên. Ông đã cung cấp cho Liên Xô những thông tin mật về tiến bộ của dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử của Anh.

Điệp viên quan trọng bậc nhất  

Đến cuối năm 1943, Fuchs được đưa vào danh sách phái đoàn các nhà khoa học của Anh tới Đại học Columbia ở New York, Mỹ và làm việc trong dự án phát triển bom nguyên tử có tên Dự án Manhattan.

Tại Mỹ, ông được cử tham gia vào việc phát triển phương pháp khuếch tán bằng khí để làm giàu uranium, một hợp phần rất quan trọng của dự án chế tạo bom. Trong thời gian này, Fuchs vẫn tiếp tục lén gửi các thông tin tình báo về dự án chế tạo bom của người Mỹ và người Anh cho phía Liên Xô thông qua điệp viên KGB Harry Gold có bí danh “Raymond”.

Klaus Fuchs khi bị bắt tại Anh
Klaus Fuchs khi bị bắt tại Anh

Đến tháng 8/1944, Fuchs được chuyển tới làm việc trong Ban Lý thuyết ở Los Alamos. Công việc chính của ông lúc này là tính toán chính xác hiệu suất năng lượng của một vụ nổ nguyên tử và các phương pháp kích nổ bom. Trong vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Mỹ được gọi là Vụ thử Trinity ngày 16/7/1945, Fuchs cũng là một trong những nhà khoa học tham gia giám sát.

Thời kỳ này, bên cạnh việc cung cấp thông tin mật về dự án chế tạo bom của Mỹ, Fuchs còn chuyển cho Liên Xô các thông tin chi tiết về bom H. Các chuyên gia cho rằng các thông tin tình báo do Fuchs chuyển cho đã giúp Liên Xô phát triển và tiến hành được vụ thử bom nguyên tử đầu tiên của nước này sớm hơn ít nhất là một năm nếu không muốn nói là hai năm so với dự kiến.

Chiến tranh thế giới II kết thúc, Fuchs trở về Anh và tiếp tục làm việc trong dự án phát triển bom nguyên tử của Anh với vị trí người đứng đầu Cục Vật lý tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử Harwell. Vài tuần sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, giới chức Mỹ ráo riết điều tra.

Kết quả giải mật một bức điện tín giữa các điệp viên của Liên Xô được gửi đi vào năm 1944 mà Mỹ chặn được xác nhận việc thông tin về quy trình khoa học liên quan đến việc chế tạo bom nguyên tử của nước này đã bị lén chuyển cho Liên Xô. FBI sau khi vào cuộc điều tra xác định Klaus Fuchs chính là tác giả của bức điện đó.

Tháng 12/1949, Fuchs đã bị giới chức Anh thẩm vấn. Đến tháng 1/1950, ông bị bắt và bị khởi tố về cáo buộc vi phạm Đạo luật bí mật chính thức của Anh. Sau khi thú nhận làm gián điệp, ông bị kết án 14 năm tù giam. Năm 1959, Fuchs được ra tù trước thời hạn và trở về Đông Đức.

Sau khi được cấp quyền công dân, ông được bầu làm Phó Giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân Helmholtz-Zentrum Dresden-Rossendorf, đồng thời là thành viên Viện hàn lâm khoa học Đông Đức. Với những đóng góp đáng kể cho Liên Xô, năm 1979, ông được nhận Huân chương danh dự Karl Marx, phần thưởng cao nhất ở Cộng hòa dân chủ Đức. Fuchs qua đời năm 1988.

Cho đến nay, Fuchs được xem là điệp viên hạt nhân quan trọng bậc nhất lịch sử thế giới. Nhà vật lý hạt nhân người Mỹ gốc Đức Hans Bethe cũng từng nhận xét ông là nhà vật lý đã thay đổi cả thế giới. Bởi vào năm 1940, chiến tranh hạt nhân vẫn là vấn đề được xem là thuộc về khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, chỉ năm năm sau đó, nó đã  trở thành một nguy cơ thực tế.

Thêm năm năm sau, một cuộc chạy đua hạt nhân đã diễn ra và đến năm 1955, những vụ thử hạt nhân đã được tiến hành trên khắp thế giới, khiến sức mạnh hủy diệt mà các nhà khoa học có thể tạo ra từ hạt nhân dường như không còn giới hạn. Klaus Fuchs có liên quan đến tất cả các vấn đề này. Ông chính là người đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra vũ khí nguyên tử cho cả ba nước đối đầu chính trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là Anh, Mỹ và Liên Xô. 

Theo các nhà nghiên cứu Anthony Cave Brown và Charles B. MacDonald, đóng góp lớn nhất của Fuchs cho Liên Xô nằm ở việc ông đã tiết lộ lượng uranium cần thiết để chế tạo bom. Những thông tin mà ông chuyển cho đầu mối của Liên Xô để nước này áp dụng ngay vào quá trình chế tạo bom thì Mỹ đã phải mất hai năm với tổng chi phí thí nghiệm lên đến 400 triệu USD mới có được. Fuchs cũng là người hỗ trợ các nước nói trên chế tạo bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom H, có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bom nguyên tử.

Đọc thêm