Chợ Quán Lau: Nhiều dấu hiệu bất minh trong thu, chi

(PLO) - Báo PLVN nhận được phản ánh về tình trạng thất thu phí ở chợ Quán Lau, phường Trường Thi, TP.Vinh. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều phản ánh của người dân là có cơ sở.
Chợ Quán Lau: Nhiều dấu hiệu bất minh trong thu, chi
Khoán trắng gây thất thu?
Rộng gần 2000m2 ,chợ Quán Lau nằm ở vị trí “đắc địa” khi tiếp giáp các tuyến đường lớn của TP.Vinh, tập trung nhiều ngành nghề kinh doanh, thu hút mua bán. Ngày 31/7/2009, không đấu thầu thu phí, ông Nguyễn Tất Thiện (nay là Chủ tịch UBND phường Trường Thi) đã ký Hợp đồng 05 giao khoán phí chợ cho ông Trần Quang Hùng (trú tại phường Hưng Bình) với mức 20 triệu đồng/tháng kể từ tháng 8/2009.
Thực tế cho thấy, hợp đồng không hề có căn cứ khảo sát nhưng lại đưa ra mức khoán 20 triệu/tháng nên người dân phản ánh là chỉ có lợi cho cá nhân. Mặc dù hợp đồng thỏa thuận mức khoán có thể điều chỉnh theo từng năm tuỳ theo tình hình khảo sát nhưng khi làm việc với phóng viên, cả UBND phường cũng như ông Hùng đều không cung cấp biên bản khảo sát hàng năm đầy đủ. Về phản ánh của người dân rằng có đoàn khảo sát đề nghị thu một tháng 45 triệu đồng, ông Hùng thừa nhận nhưng ông không đồng ý và đoàn đã điều chỉnh số liệu. 
Thông tin có được cho biết, tháng 3/2012 UBND phường Trường Thi thành lập đoàn khảo sát thu phí chợ Quán Lau với thời gian lên tới 7 ngày. Nội dung khảo sát vị trí, hộ kinh doanh, mặt hàng, khoản thu chi. Sau khảo sát, đoàn đề nghị tăng thêm giao khoán 11 triệu so với ban đầu nhưng thực tế chỉ tăng 4 triệu (tức 24 triệu/ tháng). 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng cho rằng số liệu đoàn đưa ra chưa sát thực tế. Tuy nhiên, một người từng có kinh nghiệm lâu năm về quản lý chợ khi được hỏi đã thốt lên: “Chợ Quán Lau một tháng chỉ nộp cho phường 24 triệu  thì quá ngon”.
Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến năm 2015 mức giao khoán vẫn chỉ là 24 triệu đồng/tháng. Thậm chí, nhiều năm mức khoán này vẫn không nộp đầy đủ với lý do hộ kinh doanh sửa chữa và UBND phường đành phải chịu vì hợp đồng không hề có thỏa thuận này.
Qua số liệu báo cáo, năm 2014 chợ Quán Lau thu hơn 920 triệu thì đã chi hết 919 triệu (UBND phường chỉ nhận được 274 triệu). Về nội dung này, ông Hùng cho biết hàng ngày không ghi chép thu, chi, đồng thời lý giải bởi phường giao khoán nên “lời ăn lỗ chịu”.  
Không hạch toán, không số liệu, thế nhưng hàng năm Chủ tịch phường vẫn ký báo cáo thu, chi gửi UBND TP.Vinh. Điều lạ là báo cáo có sự trùng hợp khó tin, khi: “Thu không cố định” đều là 180 triệu đồng; phí gửi xe nhiều năm giống nhau 264 triệu (người dân phản ánh chợ có 3 điểm giữ xe, nên con số này là vô lý vì tiền gửi xe phải gần gấp đôi báo cáo).
Riêng về vấn đề tiền lương Ban Quản lý chợ, số liệu báo cáo năm 2014 cho thấy chi xấp xỉ 336 triệu đồng. So với thông tin ông Hùng cung cấp thì có sự khập khiễng bởi với 13 người, mỗi tháng chi 4 đến 4,5 triệu thì số tiền đã khác xa so với báo cáo.
Do không tiến hành khảo sát nên UBND phường đã dùng toàn bộ lệ phí năm  2014 để thu năm 2015. Ngoài ra, cho đến thời điểm này Quyết định số 16 ngày 4/3/2015 của UBND tỉnh Nghệ An quy định về mức thu và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa được triển khai đối với chợ Quán Lau.
Cần thay đổi phương thức quản lý
Theo quan sát của PV, hiện chợ Quán Lau đang nằm trong tình trạng sắp xếp ngành nghề chưa đồng đều. Hàng lối lộn xộn, xe máy vô tư đi lại trong chợ, thậm chí bỏ ngay trong đình chợ.
Về vấn đề quản lý chợ, UBND phường thừa nhận thiếu sự phối hợp: “Các ki ốt kinh doanh tại chợ Quán Lau đã hết thời gian không phải nộp tiền thuê địa điểm từ năm 2008, 2009. Tuy nhiên đến nay phường chưa tổ chức ký hợp đồng lại đối với các hộ vì chợ đang nằm trong điều kiện nhà đầu tư vào khảo sát để xây dựng. Việc các hộ tự cho thuê, chuyển nhượng địa điểm UBND phường đã giao Ban quản lý chợ theo dõi quản lý để kịp thời báo cáo; tuy nhiên trong quá trình thực hiện thiếu sự chặt chẽ”.
Thực tế, sau gần 10 năm doanh nghiệp có ý định đầu tư đến nay chợ vẫn như cũ. Hồ sơ UBND phường cung cấp và điều kiện hiện nay khó có thể khẳng định chắc chắn trong thời gian sớm sẽ có doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ Quán Lau. Trong khi đó, thực trạng năm này qua năm khác không có ai đầu tư lại trở thành lý do để UBND phường khoán trắng thu chi cho cá nhân với mức phí quá thấp khiến dư luận nghi ngờ có sự khuất tất.
Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ UBND phường chia sẻ: “Nếu đấu thầu thì số tiền có thể tăng thêm mấy lần mức giao khoán hiện nay”. Còn một tiểu thương kinh doanh thẳng thắn: “Nếu UBND phường đưa ra đấu thầu thu phí chúng tôi sẽ tham gia, khi doanh nghiệp đầu tư chúng tôi sẵn sàng trả lại cho UBND phường”. Đây cũng là điều phù hợp với đề nghị của đoàn khảo sát từ năm 2012 “để đảm bảo tận thu, đề nghị UBND cho đấu thầu mức khoán nộp phí chợ”. Còn ông Hùng (người nhận khoán) khi trao đổi cũng vui vẻ “đấu thầu hay không do UBND phường quyết định”.
Minh bạch trong việc quản lý thu, chi chợ, đồng thời góp phần tăng ngân sách địa phương là điều nên làm. Thiết nghĩ, UBND TP.Vinh sớm có sự chỉ đạo về việc điều hành, quản lý tại chợ Quán Lau.  
Được biết, trên địa và TP. Vinh có nhiều khu chợ quản lý hiệu quả bằng việc đấu thầu thu phí hoặc thành lập HTX. Đối với chợ Quán Lau, văn bản của UBND phường cũng đã chỉ rõ nhân viên ban quản lý chợ không có bằng cấp, thiếu kinh nghiệm quản lý, nên chăng cần thay đổi  mô hình quản lý.

Đọc thêm