Hà Nội: Nợ như “chúa Chổm” vì công trình nông thôn mới

(PLO) - Không có tiền nhưng xã Thuỵ Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn “bạo tay” đầu tư, mời thầu hàng loạt công trình xây dựng nông thôn mới trị giá hàng chục tỷ đồng khiến một loạt doanh nghiệp tự ứng vốn thi công đang đứng bên bờ vực phá sản. 
Bán nhà, bán xe, nợ ngân hàng
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Ngọc Sơn (Công ty Ngọc Sơn, địa chỉ tại 84A, khu Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đến Tòa soạn Báo PLVN phản ánh, từ năm 2012 đến nay ông đã nhiều lần đến “gõ cửa” UBND xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đề nghị thanh toán dứt điểm gần 10 tỷ đồng là tiền xây dựng cơ bản mà xã này đang nợ doanh nghiệp của ông, nhưng suốt hơn 2 năm qua, câu trả lời mà ông nhận được từ bên A là: “Hãy chờ” vì chưa có vốn.
Giám đốc Nguyễn Văn Toàn: “Tôi bán hết tài sản và hiện đang phải ăn nhờ ở đậu vì thi công công trình cho xã Thụy Hương”
Giám đốc Nguyễn Văn Toàn: “Tôi bán hết tài sản và hiện đang
phải ăn nhờ ở đậu vì thi công công trình cho xã Thụy Hương”
Theo ông Toàn cho biết, sau khi được phê duyệt Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009 - 2012, ngay từ năm 2009,  UBND xã Thụy Hương đã bắt tay vào triển khai hàng chục dự án lớn nhỏ. Cùng với các doanh nghiệp khác, Công ty Ngọc Sơn đã trúng thầu 9 dự án, công trình xây dựng nông thôn mới tại xã Thụy Hương.
Hợp đồng ký giữa hai bên ghi rõ trong quá trình thi công, Công ty Ngọc Sơn sẽ được UBND xã Thụy Hương thanh toán theo lộ trình gồm 2 giai đoạn: lần 1, sau khi Công ty thi công xong phần thô;  lần 2, sau khi hoàn thành công trình bàn giao đưa vào sử dụng. Sau khi có đủ hồ sơ thanh quyết toán, chậm nhất không quá 30 ngày chủ đầu tư sẽ thanh toán theo khối lượng được quyết toán cho nhà thầu. UBND xã Thuỵ Hương còn cam kết, trường hợp thanh toán bị chậm thì xã phải trả lãi suất do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chương Mỹ quy định đối với vay ngắn hạn tương ứng từng thời kỳ cho Công ty Ngọc Sơn.
Khế ước rất rõ ràng, nhưng trong suốt quá trình thi công, nhà thầu Ngọc Sơn không được UBND xã Thụy Hương thanh toán giá trị thực hiện như đã thoả thuận trước đó. Tuy nhiên, để duy trì mối quan hệ với địa phương và tạo việc làm cho công nhân cũng như hưởng ứng phong trào  xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp này đã phải mua chịu vật tư của các doanh nghiệp khác để tiếp tục triển khai dự án.
Sau khi 9 công trình dự án nói trên hoàn tất và được nghiệm thu, Công ty Ngọc Sơn đã tiến hành bàn giao cho UBND xã Thụy Hương đưa vào sử dụng. Nhưng UBND xã Thụy Hương một lần nữa lại “thất hứa”. Đến nay, bên A mới thanh toán được khoảng 35% giá trị các công trình. 
“Để có tiền thi công các công trình, tôi đã phải đi vay vốn ngân hàng. Lãi suất ngân hàng tôi phải trả, trong khi số tiền UBND xã Thụy Hương nợ  thì lại không được tính lãi và không biết khi nào tôi mới được quyết toán. Tôi đã nhiều lần đến đòi nhưng xã nói chưa có khả năng chi trả. Nợ đọng quá dài kéo theo rất nhiều hệ lụy như tôi phải nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp cung ứng vật liệu, nợ lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm đối với người lao động. Vòng luẩn quẩn này khiến Công ty Ngọc Sơn điêu đứng.  Tôi phải bán cả nhà, ô tô mà vẫn không đủ trả nợ.”- ông Toàn nói.
Chờ xã… bán đất
Liên quan đến sự việc, ngày 7/11/2014, UBND huyện Chương Mỹ đã có Công văn số 808/TCKH về việc “Giải quyết nợ xây dựng cơ bản các công trình xây dựng nông thôn mới xã Thụy Hương”, trong đó khẳng định phần vốn còn nợ, trong đó có nợ của Công ty Ngọc Sơn, thuộc trách nhiệm của UBND xã Thụy Hương.
Lý giải cho món nợ “khủng” mà UBND xã Thụy Hương chưa thể thanh  toán, ông Tạ Hồng Phương, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Chương Mỹ cho biết,  toàn bộ phần nợ xây dựng cơ bản nói trên là theo đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới thuộc ngân sách xã Thụy Hương được bố trí từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất và huy động đóng góp khác. Do thị trường bất động sản ảm đạm trong những năm gần đây..., việc đấu giá  không thực hiện được vì không có ai mua nên không có nguồn để thanh toán cho nhà thầu, dẫn đến nợ đọng vốn xây dựng cơ bản kéo dài.
“Để giải quyết tình trạng nợ đọng vốn của doanh nghiệp, UBND huyện  đã chỉ đạo UBND xã Thụy Hương tập trung đẩy mạnh tiếp tục hoàn tất các thủ tục trình cấp có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu ngân sách địa phương để trả nợ xây dựng cơ bản cho các đơn vị thi công, tháo gỡ tình trạng  đọng vốn của các doanh nghiệp”  - ông Phương nói.
Việc UBND xã Thụy Hương trở thành con nợ khủng không chỉ ảnh   hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn đẩy Công ty Ngọc Sơn vào con đường phá sản, không có vốn để hoạt động, mọi hoạt động bị “đóng băng”, nếu không giải quyết được khoản nợ này thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực.  
“Để giải quyết tình trạng đọng vốn của doanh nghiệp, UBND huyện  đã chỉ đạo UBND xã Thụy Hương tập trung đẩy mạnh tiếp tục hoàn tất các thủ tục trình cấp có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu ngân sách địa phương để trả nợ xây dựng cơ bản cho các đơn vị thi công, tháo gỡ tình trạng đọng vốn của các doanh nghiệp”  - ông Tạ Hồng Phương, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Chương Mỹ.

Đọc thêm