Đình Đồng Lạc và con đường tơ lụa Hàng Đào

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa con phố buôn bán sầm uất, đình Đồng Lạc như một nốt lặng xen lẫn cổ xưa và hiện đại. Bước vào không gian của ngôi đình là một thế giới của xưa cũ trầm mặc với lối kiến trúc nghệ thuật đặc trưng nhà ống phố cổ.
Năm 2004, đình Đồng Lạc – nhà cổ 38 Hàng Đào đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia của Việt Nam.
Năm 2004, đình Đồng Lạc – nhà cổ 38 Hàng Đào đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia của Việt Nam.

Khác với các khu phố cổ trên thế giới, phố cổ Hà Nội là nơi diễn ra nhiều hoạt động của đời sống thường ngày. Đồng thời cũng là nơi lưu trữ một kho tàng di sản đồ sộ với 121 di tích lịch sử văn hóa. Đình Đồng Lạc là một trong số đó…

Ngôi đình của chợ bán yếm xưa

Đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa) ở 38 phố Hàng Đào - Hà Nội được xây dựng vào thời nhà Lê (thế kỷ XVII). Đình thờ các vị thần trong Tứ trấn của Thăng Long Hà Nội thần Bạch Mã trấn phía Đông, Linh Lang vị thần trấn phía Tây, Cao Sơn vị thần núi non trấn phía Nam kinh thành xưa. Do nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng, một tầng dùng để bán hàng và một tầng để ở. Năm 1956, nơi đây được sử dụng làm cửa hàng bách hoá.

Năm 2000, trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Hà Nội (Việt Nam) và Toulouse (Pháp), đình Đồng Lạc đã được dựng lại đúng theo dáng xưa với kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Các nhà tôn tạo ngôi đình Đồng Lạc đã hết sức chú ý đến cổng đình. Các cánh cửa của cổng ra vào vẫn được phân bổ theo nguyên tắc truyền thống: cửa giữa to cao, cửa hai bên thấp. Tất cả những chữ Hán ở cổng đình và ở một số câu đối treo ở gian trong, cách cổng đình một cái sân trời và ở trên gác hai của ngôi đình đều được cán bộ Viện Hán Nôm đến dập chữ, rồi thuê thợ phục hồi như cũ.

Đình Đồng Lạc.

Đình Đồng Lạc.

Vật thể quan trọng nhất còn lại của đình Đồng Lạc chính là một tấm văn bia gắn trên tường bên phải gần điện thờ trên tầng hai. “Trăm năm bia đá cũng mòn”, tấm văn bia dầu dãi nắng mưa rất khó đọc, tuy thế Giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn đọc được bốn chữ “Quyến yếm thị đình” (diễn nôm: Đình của chợ bán yếm lụa). Tấm bia đá dựng năm Tự Đức - Bính Thìn (1856) có ghi rõ nội dung “Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá hủy. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại ngôi đình, giao cho ông Trần Hợp Tài và Nguyễn Bá Lân trông nom, xây dựng. Người ở phường Đồng Lạc là Dương Nghĩa Hợp vốn thích làm việc công đức đã cúng 100 quan tiền kẽm để chi dùng cho việc chung. Bản chợ nghĩ đến tình nghĩa “biếu đào tặng mận” đã cùng nhau hội họp bầu con thứ của ông là Lương Văn Tín, tên tự là Doãn Tái, tên hiệu là Nhã Giảng được tòng tự tại đình để tỏ rõ đạo trung hậu, bèn khắc vào bia để truyền lại cho muôn đời”.

Hiện nay, tại đình Đồng Lạc, những hoạt động nghệ thuật được thực hiện định kỳ hàng tháng. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các sản phẩm làng nghề truyền thống độc đáo, các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làng nghề như đồ sơn mài cao cấp, mây tre đan, lụa Lãnh Mỹ A... Điều đặc biệt, mỗi sản phẩm trưng bày đều mang trong mình một câu chuyện riêng và là sự kết hợp giữa bàn tay và trí óc tài tình của các nghệ nhân, thợ giỏi của Hà Nội, với các nhà thiết kế đến từ châu Âu. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi tổ chức các buổi tọa đàm và triển lãm định kỳ vào tuần thứ hai hàng tháng, với khách mời là các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, học giả uy tín nhằm tạo ra một địa điểm giao lưu văn hóa cho những người yêu di sản.

Và con đường tơ lụa vang bóng một thời

Theo GS Trần Quốc Vượng, ngày xưa Thăng Long là một thành phố sông, hồ. Số 38 Hàng Đào xưa có lẽ là một chợ bán yếm của một phường chuyên nghề dệt nhuộm truyền thống. Dãy nhà số chẵn được xây dựng theo thuật phong thủy, bao giờ cũng thấp hơn dãy nhà số lẻ. Xưa, bên kia phố Hàng Đào có hồ Thái Cực thông với hồ Gươm bằng một con lạch nhỏ, sau bị lấp lại thành phố Cầu Gỗ. Cũng ngày xưa ấy, hai phường Đông Lạc và Thái Cực cùng chung một phố bán hàng vậy nên Hà Nội 36 phố phường đã có tình trạng “một phường hai phố” và “một phố hai phường”.

Không gian văn hóa.

Không gian văn hóa.

Theo truyền thuyết, nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ lụa có ở nước ta từ thời Hùng Vương và Công chúa Thiều Hoa con Vua Hùng thứ 6 đã phát minh ra nghề dệt lụa. Xung quanh Thăng Long xưa, dệt lụa xuất hiện như một nghề truyền thống vời các làng Nghi Tàm, làng Dâu, Thúy Ái…

Từ tơ tằm qua những bàn tay khéo léo đã được người thợ cho ra các sản phẩm phong phú: tơ, lụa, lượt là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi, thao, vân,… Thế kỷ 18, người Việt còn dệt được các loại lụa đẹp từ các vân tinh xảo: vân tứ quý, vân hồng điệp, vân trúc điều, vân phương thọ, vân chữ hỉ, chữ triệu… Trong cuốn “Vương quốc đàng ngoài”, tác giả Baron đã mô tả: “Kỹ nghệ dệt tơ lụa ở đây rất phát triển đến nỗi kẻ giàu, người nghèo đều mặc quần áo bằng tơ lụa”. Và cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, Giáo sĩ Bissachèse đến Thăng Long và các tỉnh Bắc kỳ đã nhận xét: kỹ thuật của nghề dệt ở Thăng Long và Bắc kỳ đã đạt tới mức độ cực thịnh.

Tuy nhiên, trong nếp nhà truyền thống, phụ nữ thường tự mua lấy tơ tằm mà may yếm cho mình. Vậy mà Thăng Long - Kẻ Chợ lại xuất hiện cả một chợ dành cho phường bán yếm? Có giả thuyết cho rằng, thời huy hoàng “yếm lụa” xa xưa ấy, từ các chốn làng quê, những sản phẩm tuyệt hảo của tơ tằm đã đổ về đây để đàn bà, con gái Thăng Long, những ngày sắp hội, rủ nhau đến chọn tơ tằm may yếm. Không chỉ thế, họ còn sắm sửa lụa là gấm vóc để may quần áo tứ thân, ngũ thân, áo cánh, thắt lưng, khăn vấn…

Hàng Đào - con đường tơ lụa trung tâm buôn bán tấp nập giữa kinh thành Thăng Long, cái nôi của văn hóa và phong trào yêu nước chống Pháp của dân tộc ta. Hàng Đào nằm ở phía Bắc hồ Hoàn Kiếm, phố dài khoảng 260m, kéo dài theo hướng Bắc - Nam, được coi là trục chính của 36 phố phường Hà Nội. Phía Nam Hàng Đào tiếp giáp với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phía Bắc nối phố Hàng Ngang. Phố mang tên gọi Hàng Đào, bởi xưa kia, phố chuyên bán các loại vải nhuộm hồng, nhuộm đỏ cùng những màu khác xen lẫn.

Thế kỷ 15, 16 người dân ở nhiều nơi, đặc biệt từ Đan Loan Hải Dương, tới Hà Nội đã lập nên phường Đại Lợi chuyên nghề nhuộm tơ lụa. Hàng Đào lúc bấy giờ trở thành một trung tâm tơ lụa sầm uất của kinh thành Thăng Long, mà trong tác phẩm “Dư địa chí” từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi ghi: “Phường Hàng Đào nhuộm điều”. Về sau này nghề nhuộm màu chuyển dần sang phố Cầu Gỗ, Hàng Đào trở thành phố chuyên bán các loại hàng tấm tơ lụa, lượt, là, đũi, sa, xuyến…

Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa.

Đến sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), phố Hàng Đào bắt đầu mang dáng dấp của một con phố hiện đại. Người Ấn ở các thành phố thuộc Pháp trên đất Ấn Độ đã đến đây mở cửa hàng vải ka ki, cát bá trắng… Và rồi vào những năm 1925, vải Tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán loại hàng này, khiến hàng truyền thống vắng hẳn. Dần dần, phố không còn bán vải nhuộm màu nữa mà thay vào đó là các mặt hàng cao cấp, xa xỉ. Đến năm 1930, hàng loạt các cửa hàng tạp hóa bán đồ hiệu sang trọng của Pháp bắt đầu xuất hiện khắp các con phố như nước hoa, mỹ phẩm, mũ dạ, mùi xoa...

Khu vườn tiếp giáp giữa hai gian là nơi uống trà và tiếp khách thập phương.

Khu vườn tiếp giáp giữa hai gian là nơi uống trà và tiếp khách thập phương.

Không những thế, Hàng Đào còn được coi là cái nôi của văn hóa và phong trào yêu nước chống Pháp. Ngay từ năm 1907, tại ngôi nhà số 10, cụ Lương Văn Can cùng các sĩ phu yêu nước đã lập nên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục…

Có thể nói, Đình Lạc, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân… vừa cổ xưa vừa hiện đại, trong dòng chảy bất tận của thời gian, lịch sử…

Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm ngoại giao hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào, phu nhân Chủ tịch Quốc hội hai nước đã có chuyến tham quan và tìm hiểu về giá trị lịch sử văn hóa phố cổ Hà Nội và đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào.

Tại đây đoàn đã dâng hương tại khu vực thờ cúng trong không gian tầng 2 của ngôi đình Đồng Lạc và tìm hiểu về những sản phẩm sơn mài truyền thống. Qua chuyến thăm này, các vị phu nhân đánh giá rất cao về công tác bảo tồn giá trị di tích của ngôi đình, đồng thời cũng như phát huy các giá trị di tích gắn với giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống của làng nghề với các phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội.

Đọc thêm