Bắp cải đã "thay da đổi thịt" cho trường Trung An |
"Ngôi trường bắp cải"
Trường THPT Trung An nằm trên địa bàn xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vốn nổi tiếng là “ngôi trường bắp cải” khi hàng trăm chậu bắp cải tươi ngon được gieo trồng ở khuôn viên trường.
Những chậu bắp cải bung nở như những đóa hồng xanh khổng lồ chính là điểm nhấn tạo nên thương hiệu riêng của trường Trung An. Cũng từ đây, cái tên “Dũng bắp cải” của thầy hiệu trưởng bắt đầu xuất hiện.
Các em học sinh tự tay trồng và chăm sóc sản phẩm của mình |
Năm 2017, được điều về làm hiệu trưởng của trường Trung An, trong một lần đi công tác, thầy Lê Văn Dũng tình cờ nhìn thấy những luống bắp cải xanh ngát bung xòe đẹp mắt hai bên đường. Thầy nghĩ ngay đến việc mang những “bông hoa” này về trồng trong vườn trường để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Sau một thời gian, bắp cải ngày càng tươi tốt, nhận được sự yêu thích và hưởng ứng tích cực của mọi người, thầy Dũng bắt đầu nhân rộng diện tích.
Bắp cải bung xòe như những đóa hồng |
Nhận thấy việc trồng bắp cải phù hợp đưa vào chương trình trải nghiệm cho học sinh, phù hợp với tình hình địa phương, thầy hiệu trưởng mở cuộc họp xin ý kiến phụ huynh.
“Đa phần các em ở đây đều là con của nông dân nên việc triển khai hoạt động trải nghiệm nông nghiệp này cũng nhận được sự đồng tình từ phía cha mẹ các em. Các phụ huynh không chỉ ủng hộ tinh thần mà còn cùng nhau hỗ trợ kinh phí để nhà trường mua giống, mua chậu, làm hệ thống tưới tự động..., thực hiện kế hoạch trồng trọt”, thầy Dũng kể.
Học sinh và cô giáo cùng bắt sâu cho bắp cải |
Đây được xem là hoạt động bổ ích trong việc rèn luyện, giáo dục các em học sinh ở nhiều phương diện. “Thứ nhất, các em sẽ yêu lao động hơn, biết cách tạo ra một sản phẩm nông nghiêp là như thế nào; thứ hai, giúp các em hiểu được phần nào sự cực khổ, vất vả của cha mẹ; thứ ba, bồi dưỡng thêm cho các em những kỹ năng như giao tiếp, sinh hoạt tập thể, các kỹ năng về lĩnh vực nông nghiệp… Đồng thời, tạo sân chơi bổ ích, gần gũi thiên nhiên để các em gắn kết với bạn bè, thầy cô cũng như bớt dành thời gian vào các hoạt động vô bổ trên điện thoại”, thầy Dũng nói.
Những "bông hồng xanh" khổng lồ được đầu tư hệ thống tưới tự động |
Khu vườn vui vẻ
Trường THPT Trung An hứng thú với việc tự tay trồng những sản phẩm nông nghiệp, nhất là với những em trước đó chưa tiếp xúc nhiều và cũng không biết cách để trồng loại rau này.
"Sau khi cùng thầy cô và các bạn tham gia thực hiện trải nghiệm thì em biết làm sao để trồng cây, trồng hoa và thấy được toàn bộ quá trình từ lúc nó còn nhỏ cho đến lúc nó lớn lên. Hơn nữa, việc học tập trong xã hội hiện nay khá là mệt mỏi, em muốn cùng các bạn xây dựng nên môi trường học tập thật là thoải mái, năng động không chỉ là những giờ học trên lớp mà còn cả trong những hoạt động ngoại khóa như vậy nữa”, Võ Anh Đào, lớp 11C1 chia sẻ.
Trải nghiệm, cùng tạo kỷ niệm với vườn rau |
Đồng tình với người bạn cùng lớp, Nguyễn Thị Xuân Mai cũng bày tỏ niềm vui khi tham gia trải nghiệm trồng bắp cải: "Khi em vào lớp 10 nhà trường đã phát động phong trào trồng rau. Em tham gia và cảm thấy có nhiều niềm vui hơn, em với các bạn cũng có nhiều kỷ niệm với nhau hơn. Lúc có sản phẩm chúng em đem bán ở hội chợ và nhận về số tiền mà mình đã bỏ công lao động thì cảm thấy rất là thích. Sau đó chúng em đem nó chia sẻ, giúp đỡ người khác thì cảm thấy một chút tự hào. Chắc chắn là sau này khi nhìn lại em sẽ rất nhớ khoảng thời gian này”.
Việc có một khu vườn bắp cải xinh xắn cũng giúp giáo viên của trường có nơi để thư giãn, giải tỏa đầu óc sau những giờ làm việc mệt nhọc.
Bắp cải được bán với giá 50.000 đồng/ chậu |
Kế hoạch trồng bắp cải được triển khai từ đầu năm 2018, tính đến nay thầy trò trường THPT Trung An đã trồng được 5 đợt, với khoảng 2.500 chậu bắp cải, đem lại lợi nhuận kinh tế cho nhà trường khoảng vài chục triệu đồng. Nguồn kinh phí này được trích một phần dùng đầu tư cho vụ tiếp theo, số còn lại được đưa vào chương trình tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những người cơ nhỡ tại địa phương trong dịp Tết này.
Bắp cải của trường có ưu điểm là sản phẩm sạch, an toàn vì các em học sinh không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, thay vào đó các em bắt sâu bằng tay và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Ngoài ra, các em còn sử dụng phân bón vi sinh để bón cho cây, đây là loại phân thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả tốt cho cây trồng.
Các em học sinh tranh thủ giờ giải lao để chăm sóc cho vườn trường |
Lãnh đạo nhà trường cho biết, sắp tới trường sẽ tiếp tục đầu tư sâu hơn, từ đây đến Tết trồng thêm 500 chậu để chuẩn bị cho Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ vào tháng 4/2020.