Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã đặt ra mục tiêu xác định công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm từ đó lên kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh chủ động, tích cực tham gia công tác phòng ngừa bạo lực gia đình. Cụ thể, Hội đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên, phụ nữ và cộng đồng chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; tích cực tham gia tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp gia đình ở cơ sở; hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Sau quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã nhận thấy nhiều bất cập cần được khắc phục như: công tác tuyên truyền còn hạn chế; việc phát hiện và tham gia giải quyết các vụ việc còn khó khăn do tâm lý ngại tố cáo của bản thân người bị bạo lực; tình trạng coi việc giải quyết bạo lực là việc riêng của gia đình và các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc còn khá phức tạp. Từ đó đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: tiếp tục nghiên cứu, rà soát có quy định mở để nhận diện rõ hơn những hành vi bạo lực gia đình; đề nghị bổ sung đối tượng ưu tiên được tư vấn hỗ trợ tâm lý, sức khỏe, kiến thức; quy định rõ phạm vi vụ việc bạo lực thì áp dụng nguyên tắc hòa giải...
Bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi khảo sát. |
Phát biểu tại buổi khảo sát, bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo về nội dung, cung cấp đầy đủ thông tin và báo cáo cụ thể của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình. Điều này đã giúp Đoàn có thêm cái nhìn tổng thể về quá trình triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp thu và nghiên cứu, tổng hợp, lựa chọn để phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét giải quyết trong thời gian tới.