Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Huế là địa danh có tiềm năng du lịch hiếm có khi sở hữu cùng lúc 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, với dòng sông Hương thơ mộng, phá Tam Giang ẩn chứa nhiều giá trị, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới - Lăng Cô, cùng nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Vì vậy có thể nói, con đường phát triển thịnh vượng, đi lên của tỉnh Thừa Thiên - Huế là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cố đô Huế - vùng đất nhiều tiềm năng du lịch |
Theo số liệu từ Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, lượng khách đến Thừa Thiên - Huế trong 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng lượng khách đến Huế ước đạt 3,7 triệu lượt, tăng 5,9%; trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.552.588 lượt, tăng 9,43%; Khách lưu trú 1.685.626 lượt, tăng 6,07%. Doanh thu từ du lịch ước đạt 3.699 tỷ đồng, tăng 9,53%.
Riêng trong tháng 9/2019, lượng khách đến Huế ước đạt 316.423 lượt; trong đó khách quốc tế ước đạt 127.455 lượt, tăng 16,61% so với cùng kỳ; khách lưu trú ước đạt 146.366 lượt. Doanh thu từ du lịch trong tháng 9 ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Năm 2019, ngành Du lịch Huế đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 4,5-4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%), doanh thu du lịch phấn đấu đạt từ 4.700-4.900 tỷ đồng.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Trước đây, sản phẩm du lịch chính của Huế chỉ gói gọn trong du lịch di sản, chưa thực sự phong phú. Giới chuyên gia nhận định việc chậm đổi mới dẫn đến ấn tượng cố hữu của du khách là “đến Huế để ngắm cảnh”, có vẻ chưa níu chân được du khách dài ngày. Thêm vào đó, các dịch vụ du lịch chưa được nâng cao toàn diện về mặt chất lượng cũng là một trong những tác nhân dẫn đến ít hấp dẫn du khách.
Trong buổi làm việc với tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã so sánh Huế như "Kyoto của Việt Nam", nhấn mạnh phát triển Huế phải khác với mô hình của thành phố sôi động như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, mà nên tận dụng thế mạnh là văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn để tìm thấy “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”.
Nhận thức được vấn đề, tỉnh đã xác định rõ mục tiêu, định hướng, cũng như đồng bộ hóa các giải pháp, nhiệm vụ phát triển du lịch trong thời gian tới. Cụ thể, Huế đẩy mạnh liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, thu hút đầu tư, sớm đưa các dự án du lịch trọng điểm vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Dự án mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài tại Huế do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ được tiến hành ngay trong năm 2019, với tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng |
Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển du lịch – dịch vụ giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đó là: “Tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới”.
Huế cũng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp, đấu nối các cung đường; đẩy mạnh các loại hình văn hóa, trình diễn nghệ thuật; đồng thời, kêu gọi sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp tư nhân nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bao gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch vùng vịnh, du lịch golf… tiến tới phát triển du lịch thông minh và bền vững.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký kết hợp tác chiến lược với nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FLC, Vietravel, Văn Phú Invest… nhằm thực hiện nhiều dự án phát triển du lịch trên địa bàn.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn FLC |
Trong đó, đáng chú ý có Tập đoàn FLC với kế hoạch nghiên cứu đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế ven biển; phát triển đô thị theo hướng hình thành các khu đô thị thông minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh. FLC còn tài trợ thực hiện các đồ án quy hoạch, nghiên cứu mở mới đường bay của Hãng Hàng không Bamboo Airways đến Thừa Thiên - Huế, hỗ trợ một số hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh đường bay kết nối thành phố Huế
Là công ty thành viên của Tập đoàn FLC, hãng hàng không định hướng dịch vụ 5 sao Bamboo Airways xác định miền Trung là một trong những thị trường trọng điểm trong chiến lược kinh doanh của Hãng, thông qua việc khai thác nhiều đường bay kết nối miền Trung với các tỉnh thành khác trên cả nước.
Đặc biệt, Bamboo Airways triển khai nhiều đường bay kết nối Huế với các thành phố du lịch trọng điểm, bao gồm Hà Nội – Huế, TP. Hồ Chí Minh – Huế từ tháng 10/2019. “Việc bổ sung đường bay thể hiện định hướng và nỗ lực chung của Bamboo Airways cùng công ty mẹ là tập đoàn FLC trong hành trình thay đổi diện mạo cố đô, bắt kịp xu hướng hiện đại hóa - đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng lưu lượng khách và thời gian lưu trú, khi nơi đây được đầu tư nhiều công trình du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp hơn,” đại diện Bamboo Airways cho biết.
Hãng hàng không Bamboo Airways |
Song song với việc mở mới nhiều đường bay, Bamboo Airways triển khai chiến dịch bay Xanh Fly Green trên toàn mạng bay của Hãng. Việc khai thác những chuyến bay “Xanh” bằng các dòng máy bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, giúp giảm thiểu tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế khí thải ra môi trường, góp phần mang đến môi trường sống xanh sạch hơn. Đây là nỗ lực lớn của Bamboo Airways trong việc phát triển Du lịch Xanh – một trong những định hướng phát triển lâu dài của thành phố Huế nói riêng và các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung.