Doanh nhân Nguyễn Phi Dũng – nhà sưu tầm báo chí và di sản văn hóa. |
Tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định), doanh nhân Nguyễn Phi Dũng, người nổi tiếng với việc lưu trữ và bảo tồn báo giấy được giới hâm mộ, sưu tầm sách báo, tạp chí đánh giá cao bởi số lượng “khủng” cả về chất và lượng. Đam mê từ nhỏ, trải qua hai thế hệ, ông Nguyễn Phi Dũng được thừa hưởng nguồn đam mê từ người cha, đến nay kho lưu trữ của ông đã lấp đầy phòng tại gác tư của căn nhà tọa lạc giữa thành phố.
Khỏi nói về bề dày lịch sử mà cha con ông cất công tìm tòi, sự đầu tư về thời gian và công sức sưu tầm để có được những kết quả như ngày hôm nay, khiến ai nấy đều sửng sốt khi mục sở thị kho sách báo xưa, sách báo cổ có một không hai ngay tại tư gia này.
Hẹn gặp ông Dũng khi Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 cận kề, trong khoảng thời gian ngắn, dù rất vội nhưng những gì ông chia sẻ lại thể hiện rất rõ niềm đam mê mãnh liệt của mình, về tất thảy những gì mà ông đã dày công gây dựng để sưu tầm, bảo tồn cũng như lưu giữ những sản vật tưởng chừng như vô tri vô giác, quả thực mới thấy công việc ông làm có giá trị sâu sắc cho thế hệ mai sau.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thời gian, sự phát triển của công nghệ số, mạng xã hội, độc giả quen dần với báo điện tử (báo mạng) qua các thiết bị nhỏ gọn, một tờ báo khổ lớn dần bị quên lãng và không được ưa chuộng.
Vậy nhưng, báo giấy vẫn được coi là khởi nguồn của mọi tòa soạn hay bất kỳ nhà xuất bản báo chí nào, sự thành công của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay có sự góp phần không nhỏ của những tờ báo in, những ấn phẩm mang đậm nét cổ truyền từ xa xưa, có niên đại cách đây hàng trăm năm.
Bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống là nét đẹp và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam không những chỉ duy trì giá trị lịch sử mà còn giúp cho các thế hệ mai sau hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc. Hiểu về cuộc chiến tranh giữ nước của các thế hệ đi trước, các nhà báo, những chí sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thông nói chung.
“Báu vật” được ông Dũng nâng niu, cất trữ cẩn thận. |
Là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực máy tính, nhưng ông Dũng rất đam mê sưu tầm báo chí, dáng vẻ “chất nghệ” ông Dũng “phiêu” trong căn phòng chứa đầy các vật phẩm báo chí, ông say sưa kể chi tiết từng loại báo, số báo đặc biệt được ông phân loại, cất trữ rất cẩn thận, tỉ mỉ. Trong đó có một “báu vật” được ông cất trong hộp nhựa gồm các ấn phẩm đặc biệt mà theo như ông chia sẻ có những tờ báo ông phải mua tới hàng chục triệu đồng.
Đam mê thôi là chưa đủ, ông Dũng còn luôn tìm hiểu và đầu tư thời gian, tham gia vào các diễn đàn nhằm học hỏi, chia sẻ và sưu tầm thêm các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Không ngừng gia tăng khối lượng các sản phẩm ngày càng phong phú, cũng như trau dồi thêm kiến thức trong việc bảo quản các báu vật đó sao cho được lâu dài và chất lượng. Điều mà ông lo lắng là làm sao để chống lại việc “chảy máu báo giấy”, hoặc chống lại nguy cơ “mai một” của báo giấy, khi mà cuộc sống hiện đại phủ lấp đi hình ảnh các sạp bán báo ven đường.
Lật giở từng tờ báo trong hộp báu vật, ông Dũng kể vanh vách chi tiết những phiên bản ra đời số đầu tiên (số 1) và những trang báo cách mạng như: Cứu Quốc, Cờ Giải Phóng, Sự thật, Xung Phong, Độc Lập, Quốc Hội, Bình Dân, Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Giải Phóng, …mà trong đó có nhiều tờ hiện đã đình bản hoặc đã thay tên khác cho phù hợp với thời đại mới.
Cơ duyên với việc sưu tầm ngoài đam mê ông cũng may mắn thu thập được nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà lão thành cách mạng như Trường Chinh, Lê Duẩn…. các văn nghệ sĩ nổi tiếng khác. Quả thật, có tâm ắt tìm được những giá trị của cuộc sống từ những vật tưởng chừng như tầm thường hay nói theo cách của các nhà sưu tầm đó là “Quý vật tìm Quý nhân”.
Ông Nguyễn Phi Dũng bên trong phòng lưu trữ khủng lên tới 20 tấn sách, báo, tạp chí các loại |
Cuối buổi trò chuyện ông Nguyễn Phi Dũng hy vọng sớm xây dựng một Bảo tàng báo chí tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, và mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ cho ông đạt được tâm nguyện, nhằm nâng cao việc lưu trữ và bảo quản các ấn phẩm làm sao tốt nhất về độ ẩm, ánh sáng, côn trùng, mối mọt…. cũng như việc chuyển đổi số để bảo tồn dữ liệu được bền vững cho các thế hệ sau.