Doanh nhân trẻ Võ Phương Lâm: “Kinh doanh cần có chữ tín…”

(PLVN) - Ở tuổi 30, nhưng Võ Phương Lâm từng được nhiều người trong giới doanh nhân biết đến là một doanh nhân trẻ nhiều quyết đoán trong công việc và là người sống tình cảm, biết chia sẻ những khó khăn với đồng nghiệp, bạn bè…

Võ Phương Lâm từng là giám đốc, người sáng lập, tham gia điều hành nhiều công ty chuyên về bất động sản như: Công ty Cổ phần Đầu tư Sài gòn, Công ty Cổ phần bất động sản Hướng Dương Sài gòn, Công ty Cổ phần Điện Solar Việt Nam (Bình Thuận),…  Mới đây Võ Phương Lâm đã có cuộc trò chuyện thân tình với Báo Pháp luật Việt Nam về quan niệm của một doanh nhân để có chỗ đứng trong thương trường hiện nay.

PV: Anh có thể cho biết một ít suy nghĩ của mình sau những tháng ngày hoạt động kinh doanh thời gian qua?

Võ Phương Lâm: Kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức… Và "chỗ dựa" vững chắc nhất chính là "sống, làm việc theo pháp luật".

Thực tế những ngày tháng hoạt động trên thương trường đã giúp tôi nhận ra, trong lĩnh vực kinh doanh, bạn sẽ gặp những khó khăn, thiệt hại chắc chắn không dừng lại ở mức độ cá nhân mà ảnh hưởng đến cả một doanh nghiệp. Khi ấy pháp luật là công cụ bảo vệ cho những quyền lợi chính đáng…

Vì thế, bản thân tôi luôn nhận thức rõ ràng, kinh doanh phải luôn gắn liền với việc tuân thủ pháp luật, một cách nghiêm túc và đầy đủ. Cùng với đó, mỗi doanh nhân còn phải nâng cao ý thức về trách nhiệm cộng đồng xã hội. 

Doanh nhân trẻ Võ Phương Lâm cho rằng kinh doanh cần có chữ tín.
Doanh nhân trẻ Võ Phương Lâm cho rằng kinh doanh cần có chữ tín. 

PV: Theo anh, việc gắn kết với cộng đồng xã hội đóng vai trò như thế nào trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?

Võ Phương Lâm: Theo tôi, việc sản xuất kinh doanh phải gắn kết với cộng đồng xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, nhân đạo vì đây là một cách phát triển thương hiệu nhiều ý nghĩa nhất, gây dựng uy tín cho doanh nghiệp.

Như đợt miền Trung bị bão lũ vừa qua, tôi cũng vận động bạn bè, người thân,… tham gia đóng góp cho nhiều chương trình thiện nguyện. Trước đó, tôi đi thăm và trao quà cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Thuận, TP HCM,…

PV: Theo anh, một doanh nhân còn cần có những điều gì để có thể đứng vững trên thương trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay? 

Võ Phương Lâm: Trong kinh doanh thì tùy theo lĩnh vực mà người kinh doanh tìm hiểu về những nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh, sự bản lĩnh, đối nhân xử thế,…Với tôi trong kinh doanh yêu cầu doanh nhân phải có là chữ Tín, doanh nghiệp phải biết trọng chữ Tín. Giữ được chữ Tín chính là con đường để doanh nghiệp tạo cho mình một thương hiệu trên thị trường. Doanh nghiệp chỉ tồn tại khi giữ được chữ Tín. Còn chỉ một lần mất tín thì   sẽ là vạn lần mất tin. 

PV: Thời gian qua, dư luận thắc mắc về việc anh sở hữu nhiều công ty chuyên về bất động sản khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng hiện không thấy hoạt động. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?

Võ Phương Lâm: Đúng là tôi có đứng tên nhiều công ty về bất động sản và cũng nghe dư luận xầm xì về điều này nhiều lắm, trong đó có nhiều thông tin không tốt về tôi… Tuy nhiên, tôi không có gì phải giấu giếm vì các công ty do tôi đứng tên đều được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận hoạt động. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai nên các công ty của tôi đã tạm ngừng hoạt động 1 năm qua. Nếu ai có khả năng vận hành Công ty, tôi sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu với điều kiện là họ phải cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm khi tiếp nhận công ty…

 

PV: Doanh nghiệp không hoạt động thì có phát sinh các khoản nợ nào không, thưa anh?

Võ Phương Lâm: Các công ty của tôi hầu hết tổ chức bộ máy tối giản, thời gian qua không hoạt động nên không thể phát sinh nợ, kể cả nợ lương. Trên hệ thống các ngân hàng đều không có tên tôi hoặc tên các công ty của tôi trong danh sách “nợ xấu”. 

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! 

Đọc thêm