Độc đáo cây hoa báo hiếu của người Tày

(PLO) - Xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, nơi có đến 98% dân số là người dân tộc Tày sinh sống. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được cho mình những nét văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có cách thể hiện tình cảm với người đã khuất qua cây hoa báo hiếu.

Đã “nằm xuống” là phải có cây hoa

Người Tày ở đây từ xưa đã có quan niệm, khi gia đình có người thân mất, nằm xuống con cháu trong gia đình sẽ phải làm hoa để báo hiếu cho người mất. Tại sao lại phải làm hoa? Có bao nhiêu loại hoa? Đối với người Tày, làm hoa trong đám ma là để báo hiếu người thân, là tín vật đưa đường cho người thân sang thế giới bên kia. Dù là mất trẻ hay mất già đều phải có hoa. Những người phải làm hoa là họ hàng, nội, ngoại của người mất, là con cháu của người mất.

Cây hoa được làm bằng các nguyên liệu trong tự nhiên, làm thủ công do bàn tay con người  chứ không do hệ thống máy móc nào làm ra. Nguyên liệu để làm hoa bao gồm: cây trên rừng có tên là cây mạy trấn, cây mùa và cây nứa tép, ruột cây sắn và giấy màu thủ công. Phần lớn nguyên liệu để làm hoa đều là trong tự nhiên là vì phong tục tập quán sinh hoạt của người dân địa phương từ xưa đến nay là sự hòa hợp với thiên nhiên, coi trọng cái đẹp của tự nhiên. Cây tạo thành khuôn chính để kết từng bông hoa, cành hoa phải đạt số lượng từ 17 cành trở lại, nếu không đủ thì không đạt yêu cầu để làm cây hoa, nếu thừa thì có thể tước đi. Tuy là cây hoa phục vụ cho tang lễ đám ma nhưng người Tày cũng rất coi trọng thẩm mĩ và cây mọc tự nhiên được con người lựa chọn phải là những cây đẹp từ gốc đến lá mới được sử dụng.

Cây hoa trong đám tang của người Tày sẽ bao gồm theo tầng lớp con cái, cháu chắt, anh em họ hàng nội, ngoại. Đối với con trai, con dâu cây hoa có tên là “hoa ta”, cây hoa được tạo khuôn hình lên từ cây mùa, bao gồm 60 bông hoa tương đương với 60 cành hoa. Cây hoa này được gia đình thông gia bên con dâu làm để phúng viếng người mất, là sự đền đáp, báo hiếu, lòng kính trọng của con trai và con dâu đối với cha mẹ, cảm ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, để cầu xin phúc xin lộc của cha mẹ để lại cho con cháu.

Đối với con gái, con rể cây hoa có tên là “hoa nhàng”, cây hoa được tạo khuôn hình từ cây mạy trấn và cây nứa tép. Cây mạy trấn là cây chính tạo khuôn hình cây hoa với 60 cành hoa để cắm 60 bông hoa, còn cây nứa tép dùng để tạo khuôn hình cây “phung mác”. Một cây “hoa nhàng” được coi là hoàn chỉnh khi cây “phung mác” được buộc vào cây mạy trấn đã đủ 60 cành và 60 bông hoa. Cây “hoa nhàng” được gia đình thông gia bên con rể chuẩn bị cho vợ chồng con gái báo hiếu, trả ơn công lao sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ cho đến khi đi lấy chống, để cầu phúc cầu lộc ông bà ngoại cho con cháu và là sự kính trọng của gia đình thông gia bên con rể đối với người mất.

Còn các cháu ruột và cháu trong họ hàng đều có cây hoa riêng. Nếu là cháu ruột cây hoa sẽ có thêm chiếc khăn trầu buộc vào cây hoa, cháu họ hàng cây hoa sẽ không có chiếc khăn trầu. Đối với cây hoa của các cháu số lượng từ 17 bông hoa trở lên. Ý nghĩa của việc các cháu làm hoa là để báo hiếu, cảm ơn công lao chăm sóc, dạy dỗ của ông bà, các bác, cô chú khi còn nhỏ ở cho đến khi đi lập gia đình.

Ngoài ra còn có hoa “họ mê, họ po” là hoa của bên ông ngoại, bà ngoài của người mất.  Họ làm cây hoa này là để tròn bổn phận trông nom con cái từ khi mới sinh cho đến khi mất đi, dù là ở đâu vẫn được gia đình trông nom và bên cạnh.

Điều kiện để được làm cây hoa báo hiếu người thân khi nằm xuống là phải đã lập gia đình, phải có thông gia nội, ngoại. Nếu khi cha mẹ nằm xuống, con cái trong gia đình chưa đến tuổi trưởng thành, chưa lập gia đình thì chưa được phép làm hoa. Nếu trong gia đình, bố hoặc mẹ một trong hai người mất trước mà chưa lập gia đình thì khi người còn lại mất mà con cái đã lập gia đình thì khi đó con cái sẽ làm hai cây hoa để báo hiếu cho cả cha và mẹ. Đối với những người mất trẻ khi chưa lập gia đình, chưa có con cái, chưa có “hoa ta, hoa nhàng” thì những người em con chú, con cô ruột của người mất ai đã lập gia đình sẽ phải làm hoa. Tại sao lại phải vậy? Người Tày quan niệm đã là bề dưới thì có thể coi là anh em, con cháu và có thể làm hoa để báo hiếu người mất.

Trong cuộc sống tâm linh của người Tày, người chết nằm xuống là phải có cây hoa, nếu không có cây hoa thì người đó là người vô phúc, người đó sẽ không có tín vật để đi đường. Vì vậy, dù ở bất kỳ lứa tuổi, tầng lớp nào khi nằm xuống đều phải có cây hoa trong tang lễ của mình. Đám ma của người Tày thường diễn ra trong ba đêm, đêm thứ ba sẽ là đêm tiến hành các nghi lễ giao hoa cho người chết nhận, biết rằng mình đã nhận được những cây hoa nào, của những ai trong số con cháu mình. Những cây hoa sẽ được đưa vào làm lễ theo từng tuần và thứ tự hoa con trai, con dâu làm lễ trước, đến hoa con gái, con rể cuối cùng hoa của cháu ruột, cháu họ hàng và hoa của bên cha, bên mẹ người mất.

Ngoài việc làm hoa là để báo hiếu, để cầu phúc thì cây hoa còn là tín vật đi đường của người chết. Vì vậy, khi đưa chết ra ngoài đồng, tất cả những cây hoa đều sẽ được con cháu trong gia đình phân công nhau cầm hoa ra đồng hết. Cây hoa sẽ đi trước quan tài. Khi ra đến mộ, chỉ giữ lại một cây hoa của các cháu, một cây hoa của con trai và cây “phung mác” của con gái cắm lại trên mộ để thờ cúng cho người chết. Còn lại, tất cả sẽ được đốt cho người chết khi chôn cất.

Hình thành câu lạc bộ làm hoa để một công đôi việc

Từ năm 2002 đến nay, tại xã Xuân Giang đã hình thành các câu lạc bộ làm hoa ở các thôn bản, nhận làm hoa thuê cho các gia đình để giảm bớt phần chi phí cho các gia đình. Điều buồn phiền khi các câu lạc bộ làm hoa ra đời là những người tham gia câu lạc bộ đều là những người lớn tuổi, những người trung niên, thiếu đi rất nhiều nguồn nhân lực là giới trẻ. 

Bà Hoàng Thị Trước - Chủ nhiệm câu lạc bộ làm hoa tang thôn Chang, xã Xuân Giang tâm sự: “Cây hoa trong đám ma đã là phong tục tập quán của địa phương, vì thế cần phải được duy trì. Đã là phong tục thì cần phải lưu giữ và duy trì trong cuộc sống tâm linh của dân tộc. Tôi mong muốn khơi dậy lên niềm yêu thích trong việc làm hoa cho giới trẻ, vì sợ nét phong tục đẹp đẽ báo hiếu sẽ bị mất đi”.

Đối với người Tày ở đây, cây hoa là một biểu tượng thiêng liêng và quan trọng trong tang ma của dân tộc mình. Hi vọng rằng, với tâm huyết của mình những người lớn tuổi của địa phương sẽ thổi vào thế hệ trẻ niềm yêu thích và đam mê với việc làm hoa tang ma để gìn giữ nét đặc sắc riêng của phong tục dân tộc mình.

Đọc thêm