Cả thế giới chỉ có Việt Nam sản xuất dép lốp
Trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Biểu (quận Ba Đình, Hà Nội), ông Xuân vừa cặm cụi một mình tạo tác đôi dép cao su thô sơ huyền thoại, mà dân gian hay gọi “đôi dép Bác Hồ”, "dép lốp".
“Nghề làm dép cao su của nhà tôi đã gần 100 năm, tôi vẫn nối tiếp việc của ông cụ tôi vì nó là cái nghiệp gia đình. Hơn nữa, nhu cầu đi dép cao su vẫn còn, nhất là người trẻ, họ thích đi dép cao su như là “mốt”, ngoài ra dép còn bán được cho khách du lịch”, ông Xuân bộc bạch.
Ông Xuân cho biết, một ngày ông làm được vài đôi dép, thu nhập đủ cho sinh hoạt vợ chồng, tiền ông uống cà phê, ăn sáng, đọc báo…
Ông nhớ lại, năm 18 tuổi, ông bắt đầu làm dép lốp tại Xí nghiệp dép lốp Trường Sơn số 45 Hàng Bồ.
Ngày đó Xí nghiệp làm dép theo dây chuyền. Tức là ai phá lốp thì cả ngày chỉ phá lốp, ai quay tay thì cứ quay tay, khoanh đế thì cứ khoanh đế, xâu quai thì cứ xâu quai.
Ông luôn quan sát rất kỹ những người thợ giỏi đang làm rồi âm thầm tập luyện ngày đêm. Chính vì vậy mà ông là người duy nhất có thể làm hoàn hảo tất cả các công đoạn của một đôi dép.
Nhìn thấy ai làm chưa tốt ông hay góp ý nên nhiều người ghét, ông kêu gọi đóng quai dép thật khít tránh tuột quai. Đang xung phong trên chiến trận mà tuột quai là chết. Góp ý xong là ông làm luôn cho xem nên mọi người dù ẫm ức nhưng tất cả đều phục.
“Độ bền trung bình mỗi đôi dép khoảng 10 năm đối với đế và ba năm với quai, vì hai nguyên liệu này được làm từ lốp xe siêu trường, siêu trọng chuyên chở than ở vùng mỏ Quảng Ninh thải ra”, ông Xuân chia sẻ.
Người chế tác đôi dép huyền thoại của Cụ Hồ
Năm 1970 cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đến Xí nghiệp đặt 10 đôi dép Bác Hồ để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Ông vinh dự là 1 trong 5 người được chọn. Hiện những đôi dép này vẫn được trưng bày tại Di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nó được coi là bảo vật.
Khi được giao nhiệm vụ tái tạo đôi dép đã gắn liền với cuộc đời cách mạng của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, ông thấy vô cùng vinh dự và tự hào.
Theo ông Phạm Quang Xuân, cái khó nhất là nguyên liệu và phương thức chế tác đôi dép nguyên mẫu đã không còn được sử dụng tại thời điểm ông được giao nhiệm vụ chế tạo, bởi vậy, nên để “phỏng theo thì dễ, chứ làm thật giống thì khó”. Khi đôi dép làm xong được đánh giá giống với đôi dép nguyên bản đến 95%.
Một trong những lần đáng nhớ nhất là khi ông được giao nhiệm vụ làm dép cho những cán bộ vào miền Nam công tác, chiến đấu đầu những năm 1970. Ngày ấy ông làm ở công ty Bách Hóa 45 Hàng Bồ, Hà Nội. “Lúc ấy dép cao su hiếm lắm. Chúng tôi có khi 6 tháng mới được mua một đôi. Được đo chân cho từng cán bộ trước khi lên đường, tôi cảm động lắm”, ông kể.
Đôi dép này thịnh hành đến năm 1985 thì suy giảm do không còn được ưa chuộng và không cạnh tranh được với các mẫu dép mới của Miền Nam, đơn vị ông làm giải thể.
Bỏ nghề dép ông mưu sinh bằng đủ các nghề như: Thợ cơ khí, khâu bóng, sửa đồng hồ, trang trí nội thất. Bất kỳ ngành gì ông đều được đánh giá là tâm huyết và có tay nghề giỏi.
Kinh qua nhiều nghề khác nhau đã giúp ông có cái nhìn toàn diện về cái đẹp. Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, phải biết mài dụng cụ. Nghề cơ khí giúp ông nghĩ ra nhiều dụng cụ tinh xảo, nghề trang trí giúp ông quan sát về cái đẹp.
Tuy nhiên, ông vẫn dành thời gian làm dép tặng con cháu, bạn bè. Thỉnh thoảng những người hoài cổ đến đặt dép ông làm, các đoàn làm phim đặt dép để diễn viên đóng vai Bác Hồ, bộ đội… Có thể nói thời gian này đôi dép của ông đạt đỉnh cao nhất về chất lượng, bởi ngoài kinh nghiệm, nó còn là sản phẩm của sự tổng hợp kỹ xảo các nghề trên.
Dụng cụ để sản xuất một đôi dép cao su |
Ông chia sẻ, cuộc sống của ông bây giờ là sáng sớm đi bơi ở sông Hồng, ăn sáng, dành thời gian đọc báo… và tiếp tục công việc cho ra đời nhiều dép lốp mới. Một công việc như thói quen, đơn giản, nhưng sản phẩm ra đời nó mang cả dặm dài câu chuyện của đất nước, từ thời chinh chiến cho đến hòa bình. Trong đó có bóng dáng kính yêu của Cụ Hồ.
Đôi dép lốp với huyền thoại về nó đến với khách hàng như một thông điệp sống động về lịch sử |
Bà Phạm Thu Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ trong một buổi trình diễn làm dép lốp tại bảo tàng: “Từ rất lâu rồi, trong mỗi cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, những đôi dép cao su đã là vật hết sức quen thuộc đối với bộ đội Việt Nam, người dân. Đặc biệt, đôi dép cao su là một trong những biểu tượng về cuộc đời Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được gọi với tên gọi thân thương là Đôi dép Bác Hồ. Chúng tôi cho rằng, chương trình sẽ giúp khách tham quan nhận thức, hiểu rõ hơn về ý nghĩa của đôi dép cao su, về quy trình thực hiện, thông tin lịch sử quanh đôi dép cao su đã gắn với cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh”.