Lễ dựng nêu đã trở thành một hoạt động không thể thiếu ở khu Di sản Huế trong dịp Tết cổ truyền |
“Thướng Tiêu” là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Cây nêu dựng trong Đại Nội là một cây tre lớn, dài 15m, được các lính vệ rước từ điện Thái Hòa về Thế Miếu - nơi thờ các vị vua triều Nguyễn.
Nghi lễ rước nêu |
Được tái hiện lần đầu tiên từ năm 2013, đến nay lễ dựng nêu đã trở thành một hoạt động không thể thiếu ở khu Di sản Huế khi bắt đầu Tết cổ truyền. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lễ dựng nêu ngày Tết là nghi lễ truyền thống, thể hiện bản sắc của văn hóa xứ Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất cố đô. Ngay sau khi tổ chức tại Thế Tổ Miếu, lễ dựng nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự.
Đỉnh nêu được buộc các lễ vật để cúng thần linh và xua đuổi tà ma. |
Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng Cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức rất trang trọng. Khi cây Nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết.
Cây nêu tượng trưng cho sự vươn cao, vươn xa và niềm mơ ước cho mùa xuân mới thêm bình an. |
Ngoài ý nghĩa là một hoạt động văn hóa cung đình được phục dựng để phục vụ du khách, về tâm linh, dân gian tin rằng cây nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ, những điều xấu của năm cũ. Đặc biệt, tục lệ dựng cây nêu còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi cây nêu tượng trưng cho sự vươn cao, vươn xa và niềm mơ ước cho mùa xuân mới thêm bình an.