Lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum rất phong phú và đa dạng với đủ các thể loại và hình thức. Các lễ hội có thể chia làm ba loại: những lễ hội xung quanh vòng đời người, những lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.
Lễ hội xung quanh vòng đời người
Đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum quan niệm, con người sinh ra đến khi chết đi phải trải qua một quá trình của mối quan hệ ứng xử: cá nhân với cá nhân; cá nhân với cộng đồng; cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên, do vậy mà vòng đời người cũng gắn liền với cả một hể thống lễ hội tương ứng trong mỗi thời kì và tình huống cụ thể.
Một số lễ hội điển hình về chu ki vòng đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum được thể hiện như lễ cưới, lễ thổi tai, lễ cúng đau ốm,...
Lễ cúng đau ốm của dân tộc thiểu số Kon Tum. (Ảnh Báo Dân tộc và Phát triển) |
Lễ hội cây trồng
Cũng giống như vòng đời con người thì cây trồng cũng có một quá trình sinh trưởng từ khi chọn đất, gieo trồng, đơm bông, kết trái, thu hoạch, vì vậy mà các lễ hội sẽ được tổ chức trong suốt quá trình gieo trồng đến thu hoạch cây trồng.
Đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum tổ chức các lễ hội cầu mong cho cây trồng tốt tươi, không bị sâu bệnh phá hoại mùa màng, được mùa để cuộc sống của người dân nơi đây luôn no đủ. Có rất nhiều lễ hội được tổ chức vào thời gian này như lễ chọn đất, lễ phát rẫy, lễ trỉa lúa, lễ mừng lúa mới, lễ thu hoạch lúa,...và còn nhiều lễ hội khác nữa. Tùy thuộc vào từng lễ hội mà có quy mô khác nhau, mỗi quy mô sẽ thể hiện cho độ quan trọng của lễ hội đó.
Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Bana |
Lễ hội cộng đồng
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum thì cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người nơi đây. Cộng đồng chí phối mọi hoạt động của con người, chính vì vậy mà các lễ hội cộng đồng luôn là những lễ thức đặc biệt quan trọng. Lễ hội cộng đồng không diễn ra hằng năm như lễ hội xung quanh con người hay lễ hội của cây trồng mà nó được diễn ra khi có những vấn đề, những sự kiện lớn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cộng đồng như lễ mừng chiến thắng, lễ hội mừng nhà rông mới,...
Lễ hội mừng nhà rông mới |
Ngoài ra, các làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại Kon Tum đều có lễ kiêng làng. Nghi lễ này được tổ chức khi có cháy nhà, bệnh dịch lớn làm chết nhiều người và gia súc, bị sét đánh,... khi đó người ta rào làng, để người trong làng không ra được làng và người ngoài làng không thể vào làng. Trước lễ người ta tắt hết lửa cũ trong bếp của các gia đình và để cộng đồng chuẩn bị mọi điều kiện cho lễ hội.
Kon Tum là vùng đất có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa mang nét đặc thù. Tuy nhiên, trong cái riêng đó cũng có nhiều nét tương đồng của sắc thái văn hóa vùng miền, mà lễ hội dân gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tồn tại cùng với văn hóa dân gian và thời gian.
Chính những giá trị đặc sắc của lễ hội đem lại nên việc bảo tồn và phát triển các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum cần được chú trọng và phát huy. Đặc biệt là phát huy những thế mạnh của các lễ hội đồng thời loại bỏ một số nghi thức lạc hậu nhằm cho các lễ hội vừa mang những giá trị tốt đẹp vừa thể hiện được tính cách, cuộc sống con người tại vùng đất Kon Tum – chốn đại ngàn hùng vĩ đến bạn bè trong nước và quốc tế.