Độc đáo Lễ hội "kiệu bay" đất Kinh kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội 5 làng Mọc được người dân ưu ái gọi là “Lễ hội kiệu bay” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1727/QĐ-BVHTTDL.
Độc đáo “Lễ hội kiệu bay” của 5 làng Mọc.
Độc đáo “Lễ hội kiệu bay” của 5 làng Mọc.

Lễ hội cổ truyền 5 làng Mọc là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lịch sử, chứa đựng và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên đất Kinh kỳ ngàn năm.

4 vị thành hoàng cùng “trẩy hội”

Trong sử sách, Kẻ Mọc là tên gọi nôm của một khu dân cư xuất hiện lâu đời bên bờ Nam sông Tô Lịch, phía Tây Nam của kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Cả vùng Kẻ Mọc có tên chữ là Nhân Mục; sau được chia thành hai xã là Nhân Mục Cựu gồm hai làng: Hạ Đình, Thượng Đình và Nhân Mục Môn gồm 5 làng là Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), tục gọi là 5 làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Đình Cự Chính thờ Đức Thành hoàng là Lã Đại Liệu, Ngài là tướng của Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân. Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại vương Hùng Lãng công và Thánh Bà Trương Mỵ nương, con gái làng Quan Nhân. Đình Giáp Nhất thờ Thành hoàng làng là Phùng Luông, là vị tướng đã cùng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng chống bọn đô hộ nhà Đường. Đình Phùng Khoang thờ Thượng đẳng Phúc thần Đoàn Thượng, một vị tướng thời Lý. Các vị Thành hoàng tuy sống ở những triều đại khác nhau nhưng trong tâm thức của người dân nơi đây thì bốn vị đều là huynh đệ.

Theo thông lệ, cứ 5 năm người dân nơi đây lại tổ chức lễ rước kiệu chung cho 4 vị gặp nhau vào 9/2 - 13/2 Âm lịch. Dân làng tổ chức lễ hội, vừa để tưởng nhớ công ơn các Thánh, cầu cho quốc thái dân an, rước các Thánh du xuân, thưởng lãm cảnh làng trên, xóm dưới, đồng thời cũng là dịp các Thánh gặp gỡ hàn huyên.

Một thời gian dài do chiến tranh và hoàn cảnh xã hội, Lễ hội năm làng Mọc gần như bị bỏ quên, cho đến năm 1992, Lễ hội mới được khôi phục trở lại, với làng chủ hội đầu tiên là Giáp Nhất. Sau nhiều năm gián đoạn, Lễ hội vẫn giữ được những nghi thức cổ truyền, phản ánh những phong tục, nghi lễ và đời sống tâm linh của người dân lao động vùng ven đô trước kia.

Trước lễ hội một tuần, đèn lồng, cờ, băng rôn chào đón lễ hội đã giăng kín đỏ ngợp khắp các ngõ ngách trong làng. Tất cả người dân làng Mọc và du khách từ khắp các tỉnh, thành đất nước lại hội tụ về Quan Nhân nô nức trẩy hội.

Lễ rước là một trong những nghi thức tín ngưỡng quan trọng nhất. Vào chính hội 11/2, từ tờ mờ sáng kiệu rồng, sư tử, bát bửu, cờ quạt, chấp kích, đội tế... theo nhịp trống, nhạc bát âm rước Thánh lễ tại đình làng mình sau đó rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó.

Phần lễ gồm các nghi thức, nghi lễ bắt buộc, quan trọng nhất là Lễ rước Thánh và Tế lễ ở đình. Với tâm thức hướng về cội nguồn, Lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức trên tinh thần cộng đồng và gắn kết giữa các làng.

“Kiệu bay”, các Thánh thăng hoa khi sum họp

Vào ngày hội, các làng sẽ rước Thánh tại đình làng mình, sau đó đoàn rước Thánh đi qua làng nào thì đoàn rước của làng đó ra đón mừng rồi nhập cuộc làm một để tới đình làng đăng cai dự lễ tế hội đồng. Cùng với kiệu Thánh, trên đường đi, các đội tàn quạt, biển cờ, hương án, long đình, voi nan, ngựa gỗ... cứ đi một bước lại dừng một bước. Đội múa rồng, múa sư tử lượn vòng lên xuống tạo nên một không khí náo nhiệt, rộn ràng. Người dân 5 làng lập bàn thờ dọc đường đoàn rước đi qua để nghi đón các Thánh vào thăm nhà.

Khi rước tới đình làng chủ hội mới đến nghi thức tế chủ yếu của Lễ hội 5 làng Mọc. Sau ba hồi ba tiếng trống báo hiệu thì bắt đầu thực hiện các nghi thức tế lễ. Chúc văn được đọc tại buổi tế là bài viết kể lại công đức các vị Thánh, cầu mong Thánh Thần ban phúc lành cho dân làng, cầu cho mưa gió thuận hòa, quốc thái dân an…

Đồ vật dâng lên đức Thánh là hoa thơm trái ngọt được lựa chọn kỹ lưỡng, xôi, oản và không thể thiếu được thịt lợn cả con để sống hoặc thịt bò. Buổi chiều, sau khi làm lễ tạ các Thánh cùng Thần vị được cụ Thủ từ và một số giai kiệu, chức sắc vào làm lễ rồi đưa ra kiệu để rước Thánh trở về, gọi là rước Thánh hồi cung; Thánh của làng nào về làng ấy, thứ tự như khi rước buổi sáng tiến qua cổng làng ra đường cái.

Đặc sắc của Lễ hội 5 làng Mọc chính là màn “kiệu bay”. Các thanh niên khôi ngô, tuấn tú rước kiệu chao đảo, bay lượn khắp đường làng, ngõ phố. Các kiệu Thánh có lúc vui đến cực điểm thăng hoa “bay” liên tục. Theo các cụ phụ lão, kiệu bay là do các Thánh chào nhau thể hiện niềm vui hội ngộ. Những cỗ kiệu lớn bốn người khiêng, tám người khiêng múa như bay trên đường đi, thoắt tiến thoắt lui, lúc chạy băng băng trên đường, lúc quay tròn như cơn lốc, rất linh hoạt và uyển chuyển. Mặc dù trên đường người dự hội đông như nêm cối, nhưng kiệu bay rất thanh thoát, không hề bị vướng.

Cỗ kiệu rước có Ðức Thánh ngự ở trên đội mũ dát vàng, trên mũ có hoa văn biểu tượng rồng chầu mặt trời, thân mặc áo bào, cánh tay áo rộng thêu rồng phượng, lưng thắt đai chân đi hia trông rất uy linh. Trong sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể bà con, lễ rước kiệu đã diễn ra tưng bừng với những pha kiệu “bay” trên không trung vô cùng đẹp mắt. Khi kiệu xoay vòng, tất cả mọi người ai cũng hò reo, hân hoan, phấn chấn. Không khí vô cùng vui nhộn, náo nhiệt mà không làm mất đi vẻ thiêng liêng.

Cụ Hồ Quang Hùng, 82 tuổi - người dân làng Hạ Đình hân hoan: “Hội làng của chúng tôi độc đáo nhất chính là phần rước kiệu bay, 5 năm mới có một lần nên dân làng mong ngóng lắm, bản thân tôi cũng thấy rất tự hào”. Ngoài việc tế lễ, rước xách, làng đăng cai còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chơi cờ người, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, chọi gà, hát quan họ... làm tăng sức hấp dẫn của hội làng dịp đầu xuân.

“Lễ hội 5 làng Mọc đã được lên kế hoạch chuẩn bị từ 1 năm. Ban Tổ chức Lễ hội cho hay: “Để quản lý lễ hội, chúng tôi đã thành lập các tiểu ban: khánh tiết, nghi lễ, hậu cần, bảo vệ… Tôi rất vui và vinh dự khi Lễ hội 5 làng Mọc đón nhận sự hưởng ứng của toàn thể bà con và sự có mặt của các sở, ban, ngành đến dự Lễ hội. Lễ hội là nơi để mọi người được gặp nhau, chúc sức khỏe nhau và cũng là một nét đẹp cổ truyền, nền văn hóa truyền thống của 5 làng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy để mỗi năm, Lễ hội lại có những đổi mới sao cho vừa giữ được nết đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thu hút thật nhiều bà con và du khách thập phương hơn nữa cùng tham dự”.

Lễ hội cổ truyền 5 làng Mọc là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lịch sử, chứa đựng và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những giá trị này đang tiếp nối dòng chảy của lịch sử, của nhân dân làng Mọc, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng và xây dựng đời sống văn hóa.

Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa vùng Kẻ Mọc xưa và có ý thức hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ấy.

Lễ hội 5 làng Mọc được khôi phục từ năm 1992 sau hơn một nửa thế kỷ tưởng chừng mai một. Lễ hội 5 làng Mọc ngày nay còn lưu giữ được nhiều phong tục và lễ nghi của cư dân vùng ven đô, nơi từng ghi nhiều dấu tích lịch sử và chiến công hiển hách chống ngoại xâm trong quá trình dựng và giữ nước.

Lễ hội vô cùng ý nghĩa bởi trong đó mang giá trị văn hóa cộng đồng, tôn vinh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và là ngày để cả làng cùng chung niềm vui, tạm lãng quên đi rất nhiều âu lo, bộn bề. Bất kì người con nào của làng cũng rộn lên lòng tự hào, tình yêu quê hương chân thành nhất từ sâu thẳm trái tim mình. Không chỉ vậy, dịp lễ hội này còn là sự hội nhập, giao lưu với các vùng khác nhau để tạo nên những nét tinh túy riêng của đất Kinh kỳ.

Lễ hội đã, đang và sẽ còn mãi, là sự biểu cảm sinh động nhất với những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống của cư dân người Việt cổ vùng ven Thăng Long khi xưa.

Đọc thêm