Độc đáo phong tục đón Tết “Đắp nọi” của người Tày

(PLVN) - Tục ăn Tết lại có ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau, riêng với đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang có Tết ''Đắp nọi'', tổ chức vào ngày 29 và 30 tháng Giêng hàng năm.
Tết Đắp nọi cũng là dịp để mọi người dân tộc Tày gặp gỡ thăm hỏi quy tụ lại với nhau trước khi bắt tay vào vụ sản xuất mới

Theo tiếng Tày, Nùng "đắp" nghĩa là ngày cuối cùng của tháng, kết thúc tháng, "nọi" là ít, đối lập với nhiều hay còn có nghĩa là ăn Tết lại.

Dân tộc Tày ở Tuyên Quang chiếm trên 25% dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 50% số dân các dân tộc thiểu số. Người Tày cổ cư trú ở vùng núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang đã góp phần sáng tạo nên nền văn hóa bản địa ở vùng này rất phong phú và đa dạng.

Tại Tuyên Quang, người Tày ở các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên đều tổ chức ăn Tết Đắp nọi.

Cách ăn Tết Đắp Nọi cũng giống như Tết Nguyên đán nhưng với quy mô nhỏ hơn, trong dịp này người Tày chuẩn bị đầy đủ mâm cỗ cúng tổ tiên. Đặc biệt không thể thiếu các loại bánh ngon như: Bánh chưng gù, bánh dày ngải cứu, bánh khảo… Đối với người Tày, đây là dịp các chị em trổ tài nội trợ thực hiện các loại bánh. Bởi người Tày rất coi trọng chuyện nấu nướng, bếp núc nên ngay từ khi còn nhỏ các cô con gái đã được bà và mẹ dạy cách làm bánh.

Người Tày xã Khuôn Hà (Lâm Bình) gói bánh chưng gù chuẩn bị Tết Đắp Nọi

Không chỉ người Tày ở Tuyên Quang mà hầu như đồng bào Tày ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang… đều đón Tết Đắp nọi vào ngày cuối cùng của tháng Giêng. Mọi gia đình đều làm bánh, thịt gà, thôi xôi cúng ông bà tổ tiên cầu cho năm mới mùa màng tươi tốt, mọi người trong gia đình được khỏe mạnh.

Tết Đắp nọi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là cái tết đón những người thân không kịp về đoàn tụ với gia đình đón Tết Nguyên đán. Những người đi làm ăn xa, gặp nhiều khó khăn trong công việc, cuộc sống, không phải ai cũng về nhà đúng dịp Tết Nguyên đán để hội ngộ với gia đình, dòng họ. Sau một tháng vui xuân, cần được họp mặt, gặp gỡ từng thành viên gia đình, các bậc cao niên điểm lại trong tháng Tết, động viên mọi người phấn khởi hăng hái bước vào làm ăn trong thời gian tới. Đó cũng là thời điểm kết thúc Tết Nguyên đán, chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tinh thần bước vào trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, làm ăn trong năm mới. Tết Đắp nọi là thời khắc tiễn tháng Giêng đi qua, đón vụ mùa mới đầy hứng khởi, tự tin của người Tày, cầu mong cho mọi sự tốt lành, bình yên, thuận buồm xuôi gió.

Tết Đắp nọi như sự hoàn thiện, bổ sung thêm cho Tết Nguyên đán. Nếu ai đó không về đúng dịp Tết Nguyên đán thì chỉ cần về ăn Tết Đắp nọi để sum họp với gia đình là đã an lòng. Tập quán Tết Đắp nọi của người Tày có từ khi nào, xuất xứ ra sao? Đến nay chưa ai biết chính xác. Mặc dù còn cần thêm nhiều thời gian nghiên cứu để nhận diện đầy đủ và chuẩn xác về Tết Đắp nọi, nhưng những gì đã có được với nội dung, ý nghĩa của nó, Đắp nọi trở thành cái Tết của dân tộc Tày mang đậm giá trị văn hóa truyền thống./.

Đọc thêm