Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

(PLVN) - “Tín ngưỡng thờ Mẫu” là tín ngưỡng dân gian đã tồn tại lâu đời và phổ biến tại Việt Nam. Khởi nguồn của tín ngưỡng ngày xuất phát từ sự biết ơn đối với người phụ nữ, người mẹ trong nhận thức thuở khai sơ của con người. 
Thực hành nghi lễ thờ Mẫu.
Thực hành nghi lễ thờ Mẫu.

“Tín ngưỡng thờ Mẫu” thể hiện sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ, được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, sản sinh, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người như: Trời, đất, sông, nước, rừng núi...

Giá trị văn hóa trường tồn

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 75 vị nữ thần tiêu biểu, trong đó có ba vị nữ thần tồn tại trong truyền thuyết như ba chị em, con của Ngọc Hoàng giáng trần được phân công cai quản ba miền. Miền Bắc với sự nổi trội của Chúa Tiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh – Vân Cát Thần nữ), miền Trung với Thiên Y A NA Diễn Phi Chúa Ngọc (tiếp biến với hình ảnh Nữ thần Ponagar – Người Mẹ đất nước – Mẹ xứ sở dân tộc Chăm) và miền Nam với Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen hay còn gọi là Bà Thâm, Bà Đanh, Bà Đênh), tất cả đang cư ngụ trong lòng tin của những tín đồ thờ Mẫu hiện nay ở Việt Nam.

Người dân Đại Việt xưa đều thờ Tam toà Thánh Mẫu. Tục thờ Mẫu của người Việt ra đời trên cơ sở tục thờ nữ thần; các vị được thờ trong các đền, chùa, miếu, điện, đặc biệt có vị được thờ trong một loại hình kiến trúc riêng (Phủ) như việc thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Tất cả tạo nên vẻ đẹp độc đáo được hội tụ, chắt lọc từ cuộc sống đương đại. Và trên hết, giá trị văn hóa Việt đã tạo nên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian lâu đời của người Việt, song cũng  là một lĩnh vực rất nhạy cảm. Nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ dẫn đến bị lạm dụng để mê tín dị đoan. Mẫu là người mẹ, người phụ nữ trong cõi tâm linh của con người, Mẫu luôn sống động trong tâm trí người Việt. Do đó, sự thờ phụng tôn vinh Mẫu thông qua hệ thống phủ, đền, miếu và cả các lễ hội là khá phổ biến. Song chúng ta cần có cái nhìn đúng, đầy dủ, chân thực về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có từ lâu đời và có chuyển biến thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Hiện nay, tín ngưỡng này vẫn đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trên cả nước cũng như trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là cái tâm hướng thiện, bởi mỗi người mẹ đều dạy con sống hướng thiện. Người đến thờ Mẫu tâm phải sáng. Trong cuộc sống thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông bà, tổ tiên. Cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước.

Người đến thờ Mẫu thường mang theo niềm tin Mẫu luôn che chở, mang đến cho con cháu sức khỏe, tài lộc và may mắn. Những người thờ Mẫu đều thể hiện tấm lòng thành kính từ khi dâng lễ vật, khi chắp tay vái lạy khẩn cầu. Ngay cả những người làm “dịch vụ” cũng thể hiện cái tâm bằng sự nghiêm túc và coi trọng chữ tín.

Trong thờ Mẫu có 4 màu đặc trưng của tứ phủ: Màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ - miền trời. Màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ - miền nước. Màu vàng tượng trưng cho Địa phủ - miền đất. Màu xanh tượng trưng cho Nhạc phủ - miền rừng.

Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
 Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Dân gian tin rằng Mẫu là đấng tối cao được hóa thân thành tứ vị Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, mẫu Địa, mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn để cai quản 4 vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ những đền cao, phủ lớn đến các điện tư gia.

Thờ Mẫu có khi kết hợp với các vị Thánh ở nhiều vùng miền khác nhau. Mọi người đều tin rằng vì Mẫu là mẹ của mọi người nên luôn che chở, phù hộ độ trì cho con người gặp nhiều thuận lợi, có sức mạnh và niềm tin để vượt qua tai ương, vận hạn hay bệnh tật, đem đến cho cuộc sống sự bình yên, sung túc.

“Bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu. Những người lên đồng hóa thân thành các vị Thánh Mẫu, thể hiện sắc diện và động thái đặc trưng trong không gian văn hóa linh thiêng. Người đến tham dự trải nghiệm, cảm nhận được vẻ đẹp của các vị Thánh Mẫu, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát Văn kể về sự tích công trạng của các vị Thánh Mẫu trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ. 

Muốn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trước hết phải có phủ thờ Mẫu. Người đứng ra thực hiện việc lên đồng phải là người có “căn” - ấy là theo cách nói dân gian, hiểu nôm na một cách khoa học hơn thì đó là người có một trạng thái tâm lý không bình thường.

Sau đó cần phải có người hát văn và có người hầu dâng, tạm hiểu là những người “nâng khăn, sửa túi” sửa soạn mũ áo, xiêm y cho thanh đồng. Khi hương đã thắp lên, thanh đồng được phủ một tấm vải trên đầu sẽ làm các động tác và hất khăn ra phía sau. Điều bắt buộc là trước điện thờ phải có gương để thanh đồng nhìn bóng mình trong gương mới hầu được (hay còn gọi là hầu bóng).

Sự tương tác giữa người hầu đồng, cung văn và những người tới dự trong không gian buổi lễ khiến con người thăng hoa, quên đi phiền muộn trong cuộc sống hàng ngày. Họ rất vui mừng khi nhận được lộc Thánh Mẫu ban phát.

 Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian. Đến nơi thờ Mẫu chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản, thư thái, bởi không gian tâm linh, âm thanh và ca từ của hát Văn, sự linh thiêng trong cách bài trí bàn thờ, đồ dâng lên hầu Thánh, những bộ khăn áo, trang sức của người hầu đồng… Tất cả tạo nên vẻ đẹp độc đáo được hội tụ chắt lọc từ cuộc sống đương đại. Và trên hết, giá trị văn hóa Việt đã tạo nên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại.   “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận với giá trị nổi bật như: Di sản được coi là một phương thức quan trọng đối với các cộng đồng để thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Việc ghi danh di sản này sẽ góp phần vào khả năng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản ở các cấp độ khác nhau, do có những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tôn thờ các thánh mẫu (nữ thần) như là biểu tượng của lòng từ bi và ban ơn trong các phần còn lại của thế giới và sự kết hợp của đạo giáo, Phật giáo và nhiều tôn giáo khác đại diện cho di sản này.

Đây là di sản chung của nhiều nhóm dân tộc ở Việt Nam, do đó việc ghi danh sẽ khuyến khích đối thoại và tôn trọng sự đa dạng văn hóa ở cấp địa phương. Sự sáng tạo của con người sẽ phong phú hơn vì các yếu tố nghệ thuật của di sản bao gồm những bộ trang phục, điệu múa và âm nhạc chiếm một vị trí quan trọng trong lễ hội.

Tại Lễ đón Bằng công nhận danh hiệu của UNESCO tại Nam Định, ngày 2/4/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, được cộng đồng sáng tạo trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện quan điểm về ứng xử giữa con người với con người, con người và thiên nhiên, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội.

Các thực hành trong tín ngưỡng còn phản ánh sự tích hợp nhiều loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc, dung hòa sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo nên một bức tranh đa màu sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.

Từ những năm 1990, Việt Nam đã tiến hành những biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản từ cấp Trung ương đến địa phương. Những biện pháp này thể hiện sự cam kết của Chính phủ, cộng đồng và các nhóm chuyên nghiệp trong việc bảo tồn di sản. Mục tiêu tổng quát là nhằm bảo vệ di sản chống lại các mối đe dọa đến từ bên ngoài và bên trong, chẳng hạn như việc thương mại hóa quá mức hay các nghi thức cúng bái bị bóp méo…

Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Đọc thêm