Độc đáo tộc người Thuỷ tại Tuyên Quang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã gần một thế kỷ kể từ khi tộc người Thủy định cư ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang). Những người cao niên trong tộc kể lại rằng, tộc người Thủy đã di cư đến mảnh đất Hồng Quang thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi nên đã chọn làm nơi “an cư lạc nghiệp”.
Nụ cười "như nắng" của những thiếu nữ người Thuỷ (Tuyên Quang).
Nụ cười "như nắng" của những thiếu nữ người Thuỷ (Tuyên Quang).

Tộc người Thủy càng trở nên đặc biệt trong con mắt các nhà nghiên cứu văn hóa bởi vì trên khắp dọc dài đất nước, chỉ riêng tỉnh Tuyên Quang mới có người Thủy sinh sống.

Thôn Thượng Minh nằm lọt thỏm trong thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá cao sừng sững. Để đến được nơi đây, chúng tôi phải mất hai giờ đồng hồ “đánh vật” với những con dốc cao dựng đứng, những con đường gập ghềnh đất, đá. Đám trẻ con thấy người lạ, đôi mắt đen láy nhìn chúng tôi một cách lạ lẫm, rụt rè. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước chân đến Thượng Minh.

Hiện toàn xã có 21 hộ gia đình người Thủy với 104 nhân khẩu. Người Thủy ở đây hiện có 3 dòng họ là Lý, Mùng và họ Bàn… Giữa các dòng họ đều có mối quan hệ qua lại mật thiết, gắn bó với nhau.

Người dân tộc Pà Thẻn hay người Tày, người Dao… dân tộc nào cũng hiền hòa và gần gũi, họ đã mở lòng khi người Thủy đến định cư. Hiện nay nhiều ngày lễ, tết đều được cộng đồng dân cư ở đây tổ chức chung tạo nên không khi vui tươi, phấn khởi. Vào dịp Tết Nguyên đán, các trò chơi dân gian như ném còn, đánh pam, đánh yến, đi cà kheo thu hút đông đảo tất cả nhân dân các dân tộc tham gia, không chỉ để giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn có ý nghĩa giáo dục và nêu cao tính tập thể, tinh thần cố kết cộng đồng sâu sắc.

Người Thủy có tiếng nói riêng, là thứ tiếng mà họ được nghe từ lúc nằm nôi và truyền qua các thế hệ, chính tiếng nói đã góp phần lưu giữ lại những câu chuyện cổ, những bài hát ru đặc sắc để người Thủy có quyền tự hào với các dân tộc anh em. Câu hát “Ngày mùa” rộn rã trên nương vẫn được những chàng trai, cô gái cất lên giữa núi rừng bát ngát. Lời hát được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đại ý về ngày mùa và ngợi ca tình yêu lao động. Mỗi con người chỉ hạnh phúc và no ấm khi bỏ công sức và những giọt mồ hôi để làm nên cơm ăn, áo mặc.

Hiện nay đã có rất nhiều người dân ở tộc Thuỷ nói được, nghe được tiếng Kinh, còn một số thì dùng ngôn ngữ của tiếng dân tộc, nơi đây còn có nhiều con em hiện đang là sinh viên các trường, là cán bộ công chứng của thôn, xã.

Trang phục của những cô gái người Thủy cũng không rực rỡ như cô gái dân tộc Dao hay Pà Thẻn. Trong đó lấy màu đen làm chủ đạo, chỉ điểm xuyết những dải màu xanh dương, trắng và đỏ ở cổ áo, khuỷu tay, cổ tay, thắt lưng, chân váy và khăn quấn đầu. Hằng năm, tại buổi trình diễn trang phục các dân tộc xã Hồng Quang trong khuôn khổ lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, khi cô gái người Thủy bước ra đều tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách bởi vẻ đẹp thuần khiết của cô gái miền sơn cước.

Những thiếu nữ người Thuỷ rực rỡ trong những bộ trang phục truyền thống.

Những thiếu nữ người Thuỷ rực rỡ trong những bộ trang phục truyền thống.

Những món ăn của người Thủy cũng không cầu kỳ mà được chế biến dựa trên những sản vật có sẵn từ gạo nương, rau rừng và những loại thịt gà, lợn được họ chăn nuôi. Chỉ vào ngày lễ, tết hay cưới hỏi mới có thêm những món ăn đặc sản như bánh trứng kiến hay thịt lợn muối.

Ông Đỗ Tiến Thuỳ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang chia sẻ cùng phóng viên: “Trên địa bàn của tỉnh có một tộc người Thuỷ đang sinh sống, nhưng lại đứng ngoài danh mục, không được công nhận, về luật pháp đứng ngoài hệ thống, nên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”. Khi sự phối hợp được đồng thuận, ông đã cử lực lượng chức năng đến tận thôn bản tìm hiểu, phổ biến, tuyên truyền về chính sách pháp luật và quyền lợi với bà con nơi đây.

Dự án này sau đó đã được sự đồng thuận 100% đồng tình về 1 dân tộc và đã được nằm trong hệ thống, đã được đưa vào hệ thống và đảm bảo chính sách quyền lợi cho người dân nơi đây. Việc thực hiện vô cùng khó khăn, bản thân ông là người trực tiếp đến và tiếp xúc với từng cá nhân các hộ dân nơi đây nhưng không hề xung đột và tốn kém chi phí. Giờ đây họ được đưa vào nhiều các dân tộc khác nhau trên địa bàn của tỉnh Tuyên Quang. Quá trình giải quyết vấn đề tốt cũng là kinh nghiệm để tuyên truyền, nghiêm minh nhưng rất hoà bình và yên ấm, về luật cư trú, quốc tịch và hưởng đầy đủ.

Anh Hoàng Vũ Linh, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình nhấn mạnh với phóng viên, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về tộc người Thủy ở Hồng Quang. Đây là tộc người tuy dân số ít nhưng có tiếng nói và truyền thống văn hóa riêng. Họ đã góp phần vào sự đa đạng văn hóa trên địa bàn huyện.

Cùng với các huyện trong tỉnh, Lâm Bình đang cố gắng phát huy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, trong đó giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc là nét đẹp mà huyện muốn quảng bá. Đến với xã Hồng Quang, du khách không chỉ được chứng kiến lễ hội Nhảy lửa đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn, mà còn được tìm hiểu về những nét riêng có trong văn hóa của tộc người Thủy - tộc người chỉ có duy nhất ở xứ Tuyên.

Đời sống kinh tế ở Thượng Minh có nhiều khởi sắc cũng góp phần cho đồng bào khôi phục những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, mà phong tục “thưởng” Tết của người Thủy là một minh chứng sinh động. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang kết hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh và một số ban ngành khác đang triển khai đề tài khoa học nghiên cứu về nguồn gốc và văn hóa của người Thủy nhằm bảo tồn và phát triển tộc người đang có nguy cơ bị xóa sổ này

Hy vọng trong tương lai không xa, bằng những nỗ lực của mình, tộc người Thuỷ sẽ có những bước phát triển hơn nữa. Thế hệ trẻ của tộc nơi đây sẽ từng bước vươn xa tới mọi miền đất nước, góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh bằng tri thức, truyền thống văn hoá của chính dân tộc này./.

Đọc thêm