Độc đáo vẻ đẹp Tết 3 miền trên phố 'ông Chảnh'

(PLVN) -  Giới trẻ Cần Thơ đang rất thích thú với một địa điểm du xuân mới, nơi hội tụ vẻ đẹp của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Phố "ông Chảnh", địa điểm check in mới
Phố "ông Chảnh", địa điểm check in mới

Góc phố 3 trong 1

Nằm phía dưới chân cầu Cái Răng, xưa nơi đây vốn chỉ là một xóm nhỏ vắng vẻ, không tên, nay thay hình đổi dạng trở thành địa điểm phố đẹp - người đông. Từ một nơi không ai biết là nơi nào giờ đã có hẳn một tên riêng và được nhiều người quan tâm tìm đến. Từ một con hẻm nhỏ hai bên đường cỏ lách mọc um tùm cao hơn đầu người, nay trở thành một con đường lộng lẫy, bên trái là Nam Bộ, bên phải là Bắc - Trung.

Cô gái bên giếng nước và lũy tre làng
Cô gái bên giếng nước và lũy tre làng 
Ngay từ đầu phố, khách tham quan nhanh chóng bắt gặp hình ảnh chiếc giếng nhỏ nằm bên lũy tre làng, những hình ảnh khá quen thuộc và không thể thiếu của làng quê Bắc Bộ. Lũy tre làng, cái giếng nước nơi chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời, những cuộc hẹn hò của đôi lứa yêu nhau, những ngày mưa bơm bão đạn hay những buổi trưa hè oi ả các cô các bà ra giếng gội đầu... Những hình ảnh mộc mạc, thân thương, gần gũi và được xem là một phần linh hồn của nông thôn Việt Nam. 
Lồng đèn, vẻ đẹp đặc sắc của phố Hội
 Lồng đèn, vẻ đẹp đặc sắc của phố Hội

Rời không gian quê hương miền Bắc, chỉ cách vài ba bước chân người ta đã có thể hòa vào không khí của phố Hội. Một Hội An (Quảng Nam) thu nhỏ giữa lòng Cần Thơ với những chiếc lồng đèn rực rỡ màu sắc, những ngôi nhà cổ mang dáng dấp của một thời xa nhớ. Những chiếc lồng đèn đa dạng kiểu dáng, kích thước, họa tiết,... treo lơ lửng khắp nơi tạo nên nét đặc sắc, nổi bậc cho phố ông Chảnh.

Ban đêm, những chiếc đèn thắp sáng cho cả con hẻm
 Ban đêm, những chiếc đèn thắp sáng cho cả con hẻm

Đối diện với cái góc phố phồn hoa đô hội của miền Trung là góc bếp, là bàn bánh Tết... của người dân Nam Bộ.

 

Trên một con đường nhỏ chỉ dài tầm 30 mét, từ ngoài vào trong được bố trí nhiều gian hàng với những món đồ truyền thống tái hiện hình ảnh Tết xưa của người Việt Nam. Mỗi gian hàng đều chứa đựng một ý nghĩa riêng.

"Khách đến nhà không trà thì rượu", một ấm trà thơm không thể thiếu vào ngày Tết
"Khách đến nhà không trà thì rượu", một ấm trà thơm không thể thiếu vào ngày Tết 

Ông bà ta xưa nay quan niệm, cái bếp tượng trưng cho hạnh phúc gia đình, tạo cảm giác ấm cúng, thân thuộc. Ngoài ra, nó còn liên quan đến truyền thống đưa ông táo về trời ngày 23 tháng chạp hằng năm.

Gian bếp của gia đình Nam Bộ xưa
Gian bếp của gia đình Nam Bộ xưa 

Để có một cái Tết trọn vẹn cũng như một năm làm ăn phát đạt, ông bà ta còn có tập tục cúng bắp lên bàn thờ để cầu cho cả năm công việc làm ăn "chắc như ăn bắp".

1500 trái bắp khô được trang trí trong ngôi nhà bắp của phố ông Chảnh
1500 trái bắp khô được trang trí trong ngôi nhà bắp của phố ông Chảnh

Thời bao cấp, việc mua quần áo rất khó khăn nên thường người ta phải tự dệt vải. Vì vậy việc trưng bày máy quay tơ cũng mang ý nghĩa gợi nhớ lại kí ức thời gian này.

Cảnh quay tơ được dựng lại
Cảnh quay tơ được dựng lại 

Kế đó là quầy tranh, treo đầy những bức vẽ mô phỏng lại tem tranh cổ động như hình ảnh Bác Hồ, hình ảnh gia đình đoàn viên ngày Tết v.v... Ngoài ra, hình ảnh viết thư pháp hay nồi bánh tét là hình ảnh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt.

Bánh tét, một món bánh không thể thiếu trên bàn thờ gia đình miền Tây ngày Tết
 Bánh tét, một món bánh không thể thiếu trên bàn thờ gia đình miền Tây ngày Tết
 
Gian viết thư pháp
 Gian viết thư pháp

Phần lớn mọi người đến đây để chụp ảnh vì cách bố trí khá đẹp mắt và độc đáo. “Tuy khu phố này hơi nhỏ nhưng nó cũng là một điểm nhấn nổi bậc của TP Cần Thơ trong dịp Tết này. Khi em đến đây, em không chỉ cảm nhận được cái Tết miền Nam mà  còn được trải nghiệm một chút không khí miền Bắc và miền Trung. Em cảm thấy giống như đây là một sự gắn kết sắc màu của 3 miền, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Nói chung em cảm thấy hài lòng”, bạn Nguyễn Thị Thu Sương (ngụ tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.

Không chỉ giới trẻ mà các cụ ông, cụ bà cũng đến đây lưu giữ kỷ niệm "đầu bạc răng long"
Không chỉ giới trẻ mà các cụ ông, cụ bà cũng đến đây lưu giữ kỷ niệm "đầu bạc răng long" 

 Thay đổi diện mạo con hẻm nhỏ

Trước khi đầu tư và thực hiện ý tưởng xây dựng con phố này, anh Nguyễn Minh Nhật (35 tuổi) đã dành 6 tháng để chuẩn bị chu đáo kế hoạch từ khâu đặt trồng bắp cải công nghệ cao, đặt  hàng bắp khô cho đến việc tìm đến làng nghề làm lồng đèn ở Quảng Nam để chọn mua những chiếc lồng đèn ưng ý nhất.

Quầy tranh vẽ lại từ tem cổ động
Quầy tranh vẽ lại từ tem cổ động 
Chia sẻ về mô hình Tết 3 miền của mình, anh Nhật nói “Tôi làm mô hình này cũng được hai năm rồi. Năm trước chỉ đơn giản là làm Tết xưa của miền Tây mình thôi. Nhưng mà năm nay tôi muốn có sự kết hợp của Bắc, Trung, Nam luôn để mọi người đến đây có thể tận hưởng không gian Tết của cả 3 miền đất nước cũng như có một cái gì đó kết nối giữa văn hóa và con người 3 miền”.
Ca sỹ Phương Thanh đến phố ông Chảnh thực hiện sản phẩm chào xuân
Ca sỹ Phương Thanh đến phố ông Chảnh thực hiện sản phẩm chào xuân 

Tất cả những gì phố ông Chảnh tái hiện đã mang đến một khung cảnh Tết đong đầy, tình cảm và nhiều kỷ niệm. Nó cũng là cách để anh Nhật lưu giữ và chia sẻ những cảm xúc, cảm giác và những ký ức đẹp về cái Tết xưa đến những bạn trẻ ngày nay. “Ý tưởng này hình thành từ tuổi thơ của tôi, ngày Tết lúc nhỏ tôi trải qua như thế nào thì tôi làm lại như vậy”, anh Nhật nói.

Bao lì xì đung đưa trước gió
Bao lì xì đung đưa trước gió 
Anh Nhật vốn là giảng viên của một tường đại học, sau đó vì biến cố gia đình anh phải dừng lại sự nghiệp giáo dục để trở về nhà. Trong thời gian này, nhận thấy xóm mình còn hiu quạnh, đơn sơ và chưa phát triển, anh suy nghĩ nên làm một cái gì đó để thay đổi và làm đẹp cho nơi mình lớn lên.  
Quà được gói bằng giấy kiếng đỏ
 Quà được gói bằng giấy kiếng đỏ
Khi mô hình của anh Nhật xuất hiện, chính quyền địa phương đã đến xem và động viên anh Nhật tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình. Con hẻm anh đang sử dụng để làm không gian Tết là con đường đi chung của mười hộ gia đình và bà con đều đồng tình, ủng hộ việc làm của anh Nhật. Bởi lẽ, sự sáng tạo của anh không chỉ góp phần đem lại diện mạo mới cho nơi đây mà còn đem đến niềm vui cho láng giềng.
Một ekip đang thực hiện MV ca nhạc
Một ekip đang thực hiện MV ca nhạc 
Sự thay đổi này đã mang lại màu sắc mới cho bà con trong xóm và trở thành niềm vui của khu vực Yên Bình (phường Lê Bình, quận Cái Răng). Cứ chiều chiều, đám trẻ con cũng như các cô, các bà thường tựu tập ra đứng ở phố ông Chảnh để chơi và xem người ta chụp ảnh, quay phim, quay MV ca nhạc... Bắt đầu mở cửa đón khách tham quan, chụp ảnh từ giữa tháng 12, phố ông Chảnh thu hút khoảng 50 – 100 lượt khách mỗi ngày.
Ngoài khu phố Tết, anh Nhật còn đầu tư cả một phim trường
Ngoài khu phố Tết, anh Nhật còn đầu tư cả một phim trường 

Nghe cái tên “ông Chảnh” có vẻ hơi kiêu nhưng đã gây ấn tượng khiến không ít người hiếu kỳ về tên gọi này. Đến khi nghe anh Nhật giải đáp, một số người tỏ ra khá bất ngờ khi nó không giống với suy đoán của họ. “Chảnh” thật ra chính là biệt danh của anh Nhật, anh thường được mọi người gọi là anh Chảnh hay chú Chảnh. Vì trước đây anh ái mộ nữ ca sỹ Phương Thanh (biệt danh cô Chanh) nên anh đã tự đặt cho mình cái danh “chú Chanh” nhưng theo thời gian bị mọi người đọc chạy chữ, thêm dấu “hỏi” mà anh có cái tên độc đáo như bây giờ.

Đọc thêm