Kịp thời đưa nguồn vốn đến với người dân
Theo ông Hoàng Xuân Trương, Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La, trong suốt 18 năm qua, đặc biệt 8 tháng đầu năm 2020, dù gặp phải thời tiết nắng nóng, gay gắt, dịch bệnh Covid-19 lan rộng, nhưng với quyết tâm vượt mọi khó khăn, chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và địa phương, toàn đơn vị vẫn dốc sức lực thực thi nhiệm vụ huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn và tổ chức thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương và nhân dân.
Cụ thể, doanh số cho vay trong 8 tháng đầu năm 2020 ở Sơn La đạt 656 tỷ đồng, bằng 87,8% so với cùng kỳ năm 2019, doanh số thu nợ đạt trên 410 tỷ đồng bằng 106% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng dư nợ đến nay lên xấp xỉ 4.700 tỷ đồng với hơn 140 nghìn khách hàng còn dư nợ (đạt 98,8% kế hoạch năm và kéo số tiền nợ quá hạn xuống còn 0,08% tổng dư nợ).
Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được kể cả nguồn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác 127 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng bởi triển khai tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng. Những cán bộ tín dụng chính sách chẳng quản ngại suối sâu, đèo cao, thiên tai, dịch bệnh, bền bỉ chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn về các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn ở 5 huyện nghèo 30a, các huyện Phú Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp và đến tận nơi ở của các đối tượng là hộ nghèo, gia đình đồng bào Thái, Tày, Mông, Dao… khắp địa bàn rộng lớn tại 12 huyện, thành phố và 204 xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Mô hình VAC được gia đình bà Trần Thị Tuyết (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La) xây dựng với sự góp sức của vốn chính sách. |
Tiếp sức công cuộc xóa đói giảm nghèo
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua đã có khoảng 17 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở Sơn La có điều kiện chủ động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc. Năm 2018, Sơn La còn có hai huyện là Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a cũng có sự góp phần tích cực của nguồn vốn chính sách.
Tại xã biên giới Nậm Lanh huyện Sốp Cộp, những năm trước, đói, nghèo là “bạn đồng hành lưu niên” của người Mông, người Dao. Để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ và đúng về chính sách ưu đãi giảm nghèo của Đảng, chính phủ, từ đó giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay cải tạo đất đồi, lập vườn trồng cây ăn quả và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc.
Nhờ đồng vốn chính sách, Nậm Lanh chuyển đổi được 124 ha cây ăn quả, phát triển đàn trâu bò trên 4.300 con. “Trước đây, người dân xã chủ yếu trồng sắn, ngô, đời sống khó khăn. Từ khi được tuyên truyền, nhất là được vay 30 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư phát triển sản xuất thông qua các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác nên đời sống nhân dân có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,64% tính đến cuối năm 2019” ông Tòng Văn Yêm, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lanh, cho biết.
Cùng với Sốp Cộp, huyện Yên Châu cũng tích cực triển khai các biện pháp xóa đói giảm nghèo, trong đó chú trọng khích lệ nhân dân vay vốn, sử dụng vốn chính sách phát triển, các loại xoài, thanh long, rau an toàn theo công nghệ Viet Gap. Với nguồn vốn hoạt động trên 360 tỷ đồng, NHCSXH tiếp sức cho miền đất đỏ Yên Châu nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp, tạo khí thế cho phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi sôi nổi và làm xuất hiện nhiều tấm gương tiên tiến về sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.
Mô hình kinh tế vườn ao chuồng (VAC) của anh Hoàng Văn Quyết, sinh năm 1992 ở bản Mo xã Chiềng Sang, huyện Yên Châu đang được nhiều người biết đến bởi có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Mấy năm qua chàng trai dân tộc Thái này đã tận dụng lợi thế đất đai và tiền vốn vay ưu đãi, khai hoang phục hóa nương đồi, cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trai chắc chắn để nuôi bò sinh sản, lợn nái, kết hợp với trồng nhãn Hương Chi, bưởi da xanh, mía đường. Nhờ sử dụng đồng vốn chính sách có kế hoạch và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên đồi rừng, vườn cây ăn quả xanh tốt quanh năm, đàn gia súc béo khỏe, không bị dịch bệnh. Nguồn thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp vợ chồng anh Quyết xây nhà 2 tầng thoáng đãng, mua sắm máy cày đất, máy xay xát ngô lúa phục vụ nhân dân thôn bản.
Ngày nay có không ít gia tộc 3 thế hệ của người Thái, Mường, Mông, Dao… giữa thảo nguyên xanh Mộc Châu – Vân Hồ, trên non ngàn Bắc Yên, Phù Yên đã và đang vay vốn, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Hơn nữa, các gia tộc đó còn tự nguyện hoàn trả nợ gốc, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn.
Ví dụ như hộ Vi Thị Ngừng, 22 tuổi ngụ thôn Khủa Phái, xã Mường Phan, đã học tập gương ông nội và bố đẻ, sử dụng 50 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Vân Hồ đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ cung cách chăm sóc chu đáo và đồng vốn chính sách làm “bà đỡ” mát tay, chỉ 4 năm sau, cặp bò béo tốt, sinh sản đều đã cho cô gái dân tộc Mông trả hết nợ vay ngân hàng, thoát cảnh nghèo túng, có tích lũy phát triển sản xuất.
Cùng với đó ở Sơn La còn có khá nhiều gia đình miền xuôi lên khai hoang làm kinh tế mới, từ thập kỷ 60 đã lập hẳn làng bản riêng mang tên quê gốc Kiến Xương thuộc xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, hay bản Kim Thi của xã Chiềng Sang, huyện Yên Châu, đồng thời gây dựng được một cơ ngơi “khủng” từ sự tiếp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách. Đó là bà Trần Thị Tuyết (bản Kiến Xương), ông Đào Xuân Dũng (bản Kim Thi) đã sử dụng vốn vay chính sách nuôi vỗ béo đàn bò cả 20 con, thâm canh tươi tốt vườn cây ăn quả đặc sản, chè tuyết san sạch trên chục ha.
Cùng đến thăm, chứng kiến những gương điển hình làm kinh tế giỏi từ nguồn vốn chính sách, Giám đốc Hoàng Xuân Trường xúc động tâm sự: “Theo đà này, NHCSXH còn được lãnh đạo và nhân dân vùng dân tộc miền núi Sơn La tin yêu hơn bởi công lao đóng góp rất thiết thực, hiệu quả”.
Công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tựu to lớn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện công cuộc này suốt 18 năm qua. Thời gian tới, cùng cấp, cấp ngành trên địa bàn, NHCSXH bền bỉ, dốc sức tăng trưởng nguồn vốn đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện và nhu cầu đều được tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cấp và phấn đấu đạt hiệu quả công tác cao nhất trong nhiệm vụ phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh xã hội để nghèo khổ, lạc hậu ở Sơn La sớm được đẩy lùi.