Đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ để không bị lạm dụng quyền lực

(PLVN) - Câu nói “Hà Nội không vội được đâu” thật không hẳn đúng bởi vì mỗi bước đi của Hà Nội đều vận dụng đúng đắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố: Kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới.
Quang cảnh Hội thảo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã nêu lên cách nhìn của mình tại Hội thảo khoa học “Vận dụng sáng tạo một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam, xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” vừa diễn ra hôm nay (22/12). Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội đến các điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã.

Cùng dự Hội thảo có; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các đại biểu một số cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội...

Đề dẫn Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, Hội thảo nhận được trên 40 bài tham luận khoa học đề cập đến nhiều nội dung về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và việc vận dụng trong thực tiễn xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, sự phát triển trong tương lai của Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục hội tụ ba việc lớn.

Đó là “định vị tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Hà Nội hội tụ với tầm nhìn và định hướng phát triển chung của đất nước”; “sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô” và “sự thống nhất, hội tụ và phát huy sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” - nhân tố quan trọng hàng đầu để Hà Nội vươn tới tầm cao phát triển mới”.

“Ai đó đã từng nói, “Hà Nội không vội được đâu” thật không hẳn đúng, bởi vì về thực chất, mỗi bước đi của Hà Nội đều thể hiện sự vận dụng đúng đắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố: Kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới”, ông Thắng ví von.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu ý kiến, trước những yêu cầu mới ngày càng cao của Thủ đô và đất nước, Đảng bộ Hà Nội cần tiếp tục cố gắng cao độ, không ngừng nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, đoàn kết thống nhất để lãnh đạo giải quyết những khó khăn, thách thức đặt ra, đưa sự nghiệp đổi mới của Thủ đô có những bước đột phá phát triển.

Theo ông Thắng, Hà Nội cần đặc biệt chú ý đến các dịch vụ giá trị gia tăng cao, khai thác nhân tài và kỹ năng tiếp tục đổ về thủ đô; để có quy hoạch và chiến lược phát triển phù hợp với không gian phát triển, có đô thị lõi và chuỗi đô thị vệ tinh đáng sống của Hà Nội cũng như trong kết nối với các địa phương lân cận; xử lý hiệu quả những vấn đề ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… cản trở sự phát triển và giảm chất lượng sống của người dân.

Hà Nội cũng cần khai thác hình ảnh là một trung tâm văn hóa của nền văn hiến lâu đời; coi đây là hồn cốt của diện mạo Thăng Long - Hà Nội để giới thiệu ra thế giới, góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch.

Trong khi đó, khẳng định Đảng bộ thành phố Hà Nội - Đảng bộ lớn nhất cả nước, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, với nhiều tiềm năng, thế mạnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đề nghị, thành phố tập trung cho nhiệm vụ “then chốt” xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng tầm đảng bộ hình mẫu, toàn diện về mọi mặt.

Trong đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần đánh giá quá trình thực hiện công tác cán bộ vừa qua, xem những kinh nghiệm nào tốt để phát huy, có điểm nào chưa tốt, chưa hợp lý cần điều chỉnh, khắc phục; đổi mới như thế nào trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý để chọn được người có đức, có tài thật sự? Thi tuyển, bảo vệ đề án trước bổ nhiệm chỉ là một cách làm; vai trò, đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy, của người đứng đầu đến đâu để bảo đảm nguyên tắc vừa tập trung, vừa dân chủ mà không bị lạm dụng quyền lực, không bị chi phối bởi cá nhân…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, các bài viết của các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện những năm qua và gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp có giá trị cho thủ đô nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân...

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, từ kết quả của Hội thảo, Thành ủy Hà Nội sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến tham luận phù hợp để đưa vào các nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đọc thêm