Hình ảnh hổ trong văn hóa xưa
Trong văn hóa Á Đông, nếu rồng tượng trưng cho trời, vương quyền thì hổ chính là tượng trưng cho đất, thành công sự nghiệp. Mối liên hệ giữa rồng và hổ dung hòa như thể tạo nên sự cân bằng của vạn vật. Hổ còn được biết đến là một trong bốn vị thần truyền thuyết trấn giữ bốn phương trời: thanh long, bạch hổ, huyền vũ, chu tước. Trong dân gian ,hình ảnh con hổ xuất hiện dày đặc ở các công trình kiến trúc đình, miếu với quan niệm… hổ trấn giữ cửa vào thì tà ma không thể xâm nhập,qua năm tháng những câu chuyện được đồn thổi với thời gian tạo lên nét tâm linh huyền bí.
Tuy nhiên, đối với người dân Cần Thơ nói riêng cũng như vùng đất chín rồng nói chung, hổ không phải là con vật hung dữ gây hại cho con người, đặc biệt là bạch hổ, ngược lại hổ giúp con người vượt qua đại nạn, bảo vệ mùa màng cho người dân ấm no hạnh phúc.
Bằng chứng là miếu thờ Thần Hổ vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay tọa lạc tại đình Bình Thủy,quận Bình Thủy. Đây là một trong số ít những ngôi đình cổ còn mang nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc đặc sắc riêng của vùng nam bộ.
Miếu thờ thần Hổ tại đình Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - Ảnh PLVN |
Tại đây, ngôi đình có nét đặc trưng mà ít thấy ở các ngôi đình khác, đó là có hai khu vực thờ thần hổ, một là trong miếu ở khuôn viên đình, được cúng bằng một con heo trắng và xôi bánh trong các dịp Kỳ yên, còn lại là bộ da cọp được thờ trong chánh tẩm cúng bằng vật phẩm tam sên theo.
Theo nhiều giai thoại cho rằng, thần hổ đã bảo vệ dân làng, cứu người gặp hoạn nạn nên người dân đã lập miếu để thờ thần hổ. Tượng thần hổ đặt trong miếu trấn giữ ở đầu cổng của đình nhằm xua đuổi tà khí, được khắc họa đậm chất cho sức mạnh, oai vệ, uy quyền, nhưng đồng thời cũng là biểu tượng cho sự bí hiểm, hung dữ, táo bạo và liều lĩnh.
Còn tại đình Thường Thạnh, quận Cái Răng, miếu thờ ông hổ được đặt ngay tại trước đình như một vị hộ pháp cai quản cả khu vực để đem lại bình an, mưa thuận gió hòa; tượng được thể hiện với từng đường nét phá cách mang lại sự dung dị hài hòa trong cuộc sống nhưng vẫn thể hiện sức mạnh oai phong.
Hiện miếu thờ vẫn còn hai câu đối “Oai trấn sơn lâm vang dội tiếng – Trừ gian diệt ác độ hiền nhân” nhằm ca ngợi về chuyện tích xưa thần bạch hổ đã giúp Chúa Nguyễn Ánh thoát nạn. Ngày nay, ai tới đây buôn bán hay lập nghiệp đều đến hành lễ tạ ơn thần bạch hổ và cầu xin bình an, mọi điều tốt lành.
Tạo hình hổ trong mỹ thuật hiện đại
Ngày nay, con người với góc nhìn đa chiều, đã không còn đánh giá hổ là con vật hung tợn, đầy sát khí và ở một khía cạnh nào đó, hổ còn được thể hiện hình ảnh đáng yêu, ngộ nghĩnh hơn rất nhiều so với trước đó.
Và năm nay cũng như bao năm khác, “chương trình bình phẩm tạo hình linh vật của năm” đến hẹn lại lên được bàn tán rôm rả trên các trạng mạng xã hội. Nhưng, đặc biệt năm này là năm của con giáp tâm linh mạnh mẽ, và được đánh giá rằng sẽ là năm thoái trào của đại dịch Covid-19 thì sự kỳ vọng, quân tâm về linh khí của con hổ với mọi người càng mãnh liệt hơn. Vì thế, hình ảnh linh vật hổ năm nay hơn bao giờ hết luôn được để ý tạo tác như thế nào và sẽ có phần khắt khe về thẩm mỹ hơn.
Theo đó, với một số bộ phận cư dân mạng cho rằng: hổ phải “ngầu”, mạnh mẽ, uy nghiêm để chứng tỏ khí chất của mình; nhưng số khác lại cho rằng thời buổi hiện đại với cái nhìn thoáng hơn, chỉ cần tạo hình gần gũi, thân thiện thì sẽ bắt mắt người xem; và số còn lại thuộc type dễ dãi chỉ cần đẹp là được, hay chỉ cần có là đủ vui rồi.
Dù ở góc nhìn nào, hổ vẫn là biểu tượng với những ý niệm đầy triết lý thông qua hình tượng của nó, nên hãy nhìn mọi thứ theo hướng tích cực để bắt đầu một năm mới vui vẻ hơn. (ảnh trái:nguồn Taiwan news). |
Để có cái nhìn khái quát và cầu thị hơn, PV đã liên hệ với ông Đặng Cát Hân, Thạc sỹ - Phó trưởng khoa mỹ thuật, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ với những chia sẻ: nhìn chung, dù hổ mang hình tượng như thế nào thì nó vẫn mang một chữ “dũng”, bởi bản thân hổ đã toát lên vẻ thần thái, hàm ý của riêng nó. Nhưng đã là triển lãm thì phải để người xem cảm nhận, cái đó tùy thuộc ánh nhìn của mỗi người sẽ cho ra một cảm nhận riêng đọng lại… nhưng không thể tùy tiện áp đặt cái nhìn của mình vào hoàn cảnh, vị trí chung của tập thể.
Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận rằng từ những cái nhìn khác nhau sẽ góp phần giúp chúng ta hoàn thiện tính thẩm mỹ cao hơn. Tuy nhiên, dù ở góc nhìn nào, nội dung giá trị thẩm mỹ ra sao, hổ vẫn là biểu tượng với những ý niệm đầy triết lý thông qua hình tượng của nó, nên… hãy nhìn mọi thứ theo hướng tích cực để bắt đầu một năm mới vui vẻ hơn”.
Nhìn chung, những tạo hình về linh vật hổ chào đón năm mới ở mỗi nơi sẽ có một nét đặc trưng riêng và không hề giống nhau, nhưng chung quy đều về một mối thì những tạo tác đó như là một thông báo mùa xuân rộn ràng sắp đến. Chúng ta sẽ tạm biệt năm cũ và đón mừng một năm mới gửi gắm theo những hy vọng, bình an, và mong sao mạnh mẽ như Hổ chiến thắng vượt qua tất cả trong năm 2022.