Đội ngũ phóng viên cần được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19

(PLVN) - Nên ưu tiên cho cả những phóng viên báo chí tác nghiệp trong lĩnh vực khác (ngoài lĩnh vực tham gia phòng chống dịch COVID-19) để đảm bảo được sự an toàn về sức khoẻ cho chính những đối tượng này và những người xung quanh.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho phóng viên tham gia phục vụ đưa tin về Đại hội Đảng XIII. Ảnh: daihoidang.vn
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho phóng viên tham gia phục vụ đưa tin về Đại hội Đảng XIII. Ảnh: daihoidang.vn

Theo TS Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên với đặc thù công việc là đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người có thể lan truyền dịch bệnh cho người khác nếu bị mắc COVID-19 rất cao. Do vậy, nên ưu tiên cho cả những phóng viên báo chí tác nghiệp trong lĩnh vực khác để đảm bảo được sự an toàn về sức khoẻ cho chính những đối tượng này và những người xung quanh.

Đặc thù công việc phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người

TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng: Cũng như những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch, các phóng viên đã có một cuộc sống đặc biệt khi tác nghiệp ở những tuyến đầu nóng bỏng. Các tòa soạn báo chí, các đài phát thanh - truyền hình cũng đã trải qua những ngày tháng làm việc tập trung cao độ để có được những bản tin cập nhật về dịch bệnh nhanh chóng, chân thực và chính xác nhất.

Và thành công trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua có phần không nhỏ của báo chí, truyền thông. Báo chí không chỉ tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh mà còn phản ánh thực tiễn xã hội sinh động, góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân cùng ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất.

Nhắc tới câu chuyện được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây đó là vaccine phòng ngừa COVID-19, TS Trần Bá Dung cho hay: Vừa qua, Bộ Y tế đã đưa dự thảo danh sách về 11 nhóm được đối tượng được ưu tiên để tiêm vaccine trước. Có thể nói, việc này đã được sắp xếp một cách khoa học của ngành Y tế.

TS Trần Bá Dung nói rằng, các đối tượng là các phóng viên tuyên truyền trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng nằm trong những nhóm được ưu tiên. Đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, không phải chỉ có những phóng viên trực tiếp tới cơ sở phòng, chống dịch COVID-19 mới là có nguy cơ. Họ là những phóng viên có nguy cơ cao hơn chứ không phải là duy nhất trong những người làm báo.

“Bởi vì công việc trong lĩnh vực báo chí có tính đặc thù là lao động tập thể, có dây chuyền, quy trình tổ chức chặt chẽ. Tác phẩm báo chí do cá nhân thực hiện nhưng phải là cả một quá trình lao động tập thể của cả toà soạn mới có thể lên trang, phát sóng tới bạn đọc. Do vậy, nguy cơ những phóng viên - với đặc thù công việc là đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người - có thể lan truyền dịch bệnh cho người khác nếu bị nhiễm COVID-19 rất cao” - TS Bá Dung nói.

Và TS Bá Dung cho rằng, nếu được, nên ưu tiên cho cả những phóng viên báo chí tác nghiệp trong lĩnh vực khác để đảm bảo được sự an toàn về sức khoẻ cho chính những đối tượng này và những người xung quanh. Còn việc xác định những đối tượng ưu tiên tiếp theo trong khối báo chí thì các cơ sở y tế nên làm việc với các cơ quan báo chí để xác định cụ thể.

Phóng viên có nguy cơ mắc COVID-19 rất cao

Cùng trao đổi về việc này, theo nhà báo lão thành Hà Đăng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - vaccine là câu chuyện được nhiều người quan tâm và việc này có chính sách chung và có sự tính toán, điều phối, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông Hà Đăng bày tỏ sự ủng hộ với việc xác định các đối tượng được ưu tiên tiêm chủng vaccine để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý, trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine có những phóng viên trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là điều rất tốt. Bởi đây là những người có nguy cơ rất cao có thể mắc COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Hà Đăng, có thể xem xét, đánh giá để mở rộng đối tượng phóng viên báo chí hơn. Bởi đặc thù công việc làm báo, không chỉ những phóng viên y tế, những người trực tiếp tới các cơ sở, điểm dịch, vùng dịch mới thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 mà những phóng viên theo dõi, làm ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cũng đang tham gia tuyên truyền vào công cuộc chung này. Đặc điểm đặc thù, phóng viên là những người đi nhiều nơi, gặp nhiều người nên nguy cơ mắc COVID-19 cũng rất cao và nếu mắc thì cũng có thể lây lan cho nhiều người. Do đó, rất cần phải phòng, ngừa.

“Điều này không phải ưu ái gì với báo chí, với những phóng viên, nhà báo mà đó là vì phòng ngừa xã hội, vì sự an toàn cho những người làm nhiệm vụ và cũng là vì sự an toàn của cộng đồng. Do đó, cần sự linh hoạt, đánh giá kỹ lưỡng để việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đạt được hiệu quả cao nhất” - ông Hà Đăng nhấn mạnh.

Về vấn đề tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho hay, đối với những phóng viên ở khu vực, vùng có dịch, có thể không là phóng viên y tế nhưng phải đi viết bài, tuyên truyền ở những địa điểm trong khu vực có nguy cơ cao thì cũng cần được ưu tiên, chứ không phải chỉ phóng viên y tế, viết về y tế mới được ưu tiên. Và việc này cần được sắp xếp ở vùng có dịch trước, vùng không có dịch sau.

Đề xuất xét nghiệm miễn phí cho phóng viên tác nghiệp trong tâm dịch COVID-19

Bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Chúng tôi đã đề xuất với người đứng đầu của ngành Y tế Quảng Ninh về việc kiến nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho các phóng viên trực tiếp tham gia tuyến đầu.

Theo lịch, thứ hai hằng tuần, Thường trực Tỉnh ủy sẽ nghe Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch trong một tuần qua. Tại cuộc họp vào thứ 2 tuần tới, Sở Y tế sẽ đưa kiến nghị này vào trong báo cáo. Tôi nghĩ rằng, các phóng viên đi vào tâm dịch để tác nghiệp thì cũng cần được bảo vệ như các lực lượng như y bác sĩ, công an, quân đội… làm việc trong tâm dịch.

Cùng với các lực lượng y tế, công an, bộ đội, biên phòng… nhiều nhà báo cũng luôn có mặt ở tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19. Họ từng giờ, từng phút cập nhật thông tin từ trong tâm dịch về những nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những thông tin đó góp phần giúp người dân nắm bắt được diễn biến tình hình dịch bệnh một cách nhanh nhất, chính thống nhất. M. Hùng

Đọc thêm