Đổi thay trên Quê hương Bác

(PLVN) - Huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) nằm ở hạ lưu sông Lam vùng đất sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với truyền thống hiếu học, cần cù, chăm chỉ… đang từng ngày đổi thay, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Quê hương Bác Hồ.
Quê hương Bác Hồ.

Đổi thay từng ngày

Nam Đàn là một trong 4 huyện gồm: Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Xuân Lộc (Đồng Nai) và Nam Đàn (Nghệ An) được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nhằm đúc rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn sau 2020.

Để đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2018 và tiến tới huyện NTM kiểu mẫu. Thời gian qua chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã tích cực phấn đấu ở nhiều mặt và đã để lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu tại xã Kim Liên, những khu vườn kiểu mẫu, những con đường quê đầy hoa khoe sắc và sáng ánh điện vào ban đêm… là thành quả từ sự chung tay, góp sức của người dân khi được huyện lựa chọn là xã chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã đã phát động phong trào xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, mỗi hộ dân đã đóng góp công sức và tiền để nâng cấp đường giao thông, xây dựng mương thoát nước và hệ thống điện chiếu sáng.

Kim Liên tập trung nâng cao các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, từ việc xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu. Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan, xã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Toàn xã hiện có 75 khu vườn mẫu, gần 60 trang trại, gia trại. Xã cũng đặc biệt chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ như thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sen quê Bác để tạo ra đặc trưng riêng của Kim Liên; phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương gồm sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ... nhằm nâng thu nhập cho người dân.

Quê hương Bác Hồ, thân thiện, mến khách

Song song với việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội thì địa phương luôn qua tâm tới phát triển du lịch. Xác định để phát triển du lịch thì việc đầu tiên là phải tạo cho du khách khi đến với Nam Đàn một ấn tượng vui vẻ, gần gũi. Để làm được điều này thì ý thức của người dân nơi đây phải thân thiện, mến khách.

Xã Kim Liên là nơi sinh ra vị Cha già dân tộc Hồ Chí Minh với truyền thống hiếu học và thân thiện từ bao đời. Để phát huy truyền thống đó, lãnh đạo địa phương luôn quan tâm vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách. Chính vì vậy trong nhiều năm qua, du khách về thăm quê Bác Nam Đàn luôn cảm thấy gần gũi, thân quen.

Nói về cảm nhận khi tới thăm quê Bác, anh Nguyễn Đức Thọ, thành phố Thanh Hoá chia sẻ: “Mặc dù đang dịch covid-19 nhưng chuẩn bị đến sinh nhật lần thứ 130 của Bác nên chúng tôi vẫn về Khu di tích Kim Liên để tưởng nhớ và tri ân tới Bác. Lúc nào tới đây, tôi thấy người cũng nhiệt tình, mến khách”. 

Khi được công nhận huyện NTM vào năm 2018, không chỉ diện mạo nông thôn Nam Đàn có nhiều khởi sắc mà kinh tế phát triển khá, đạt 10,03%, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo, an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2017, cao hơn 13 triệu so với thu nhập bình quân người dân ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,21%.

Mục tiêu hướng đến của Nam Đàn là trở thành huyện NTM kiểu mẫu về “phát triển văn hóa gắn với du lịch” vào năm 2025. Dựa vào thế mạnh địa phương, Nam Đàn là nơi giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Nơi đây cũng có 173 di tích, danh thắng, trong đó có 37 di tích đã được xếp hạng; nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, như: Sông Lam, hồ Tràng Đen, hồ Thanh Thủy, núi Đại Huệ, núi Thiên Nhẫn, thác Hồ Thành. Ngoài ra, huyện còn có giá trị phi vật thể như dân ca ví giặm…

Tuy nhiên, để phát triển và đạt các mục tiêu của huyện NTM kiểu mẫu về “phát triển văn hóa gắn với du lịch” là điều không hề đơn giản bởi quá trình làm việc còn có sự tác động của nhiều yếu tố. Chính vì vậy, mọi vấn đề đều được huyện chú trọng và hướng đến chiều sâu. Tiêu biểu như việc lắp đặt wifi tại nhà văn hóa các xóm của xã Kim Liên, việc xây dựng trang webside chuyên về du lịch cũng được triển khai.

Các sản phẩm, ấn phẩm quảng bá về du lịch cũng được chú trọng nhằm liên kết tour du lịch. Để nâng cao chất lượng hoạt động, huyện cũng đẩy mạnh tổ chức tập huấn về văn hóa ứng xử, kỹ năng làm du lịch của người dân. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn được tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái, tạo nền tảng quan trọng để phát triển du lịch, văn hóa cũng là điều huyện Nam Đàn đang hướng tới. Với vấn đề này, huyện không chỉ huy động sức mạnh trong nhân dân mà còn đang tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp cùng chung tay.

Nam Đàn đặt kế hoạch đến hết năm 2020, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM về văn hóa du lịch. Đến năm 2025 có ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM về văn hóa du lịch. 100% các công trình văn hóa, các trang mạng được trùng tu, đáp ứng nhu cầu tham quan cũng như phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, từ đó đưa kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành mũi nhọn phát triển của địa phương. 

Cùng với việc xây dựng NTM để Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu, thì việc bảo vệ và tôn tạo Khu di tích Làng Sen luôn được chính quyền và người dân tỉnh Nghệ An quan tâm. Chính vì vậy, nhiều công trình hạng mục mới được xây dựng nhằm hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu như: Công trình HTX Bác Hồ được xây dựng tại xóm Sen 1 và Sen 2 (xã Kim Liên) do tập thể, cá nhân của HTX, liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị khác đóng góp xây dựng.

Không chỉ ở Kim Liên, mà ở các địa phương khác ở Nam Đàn, đều được đầu tư các công trình đồng bộ, góp phần thay đổi diện mạo, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay nhiều công trình, dự án đã được đưa vào sử dụng: Tuyến đường vành đai phía Bắc, các tuyến đường thuộc dự án ngập lũ vùng 5 Nam, hoàn thành mở rộng nút giao 2 tuyến giao với QL46.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên đã chỉnh trang trồng cây xanh các khu vực quê nội, quê ngoại, khu mộ, đền thờ Tướng quân Nguyễn Đắc Đài, đặc biệt Công viên Đại Huệ và tuyến đường vào quê ngoại như: Trồng thảm màu cây tía tô, chỗi ngọc: 1.242.7m2, trồng cây hồng lộc 1,2m; trồng cây Hoàng Nam 1,2m hai bên đường vào quê ngoại Bác Hồ. Trồng mới 365m cây hoa dâm bụt và 28m cây mận hảo tại cụm di tích quê nội. Trồng mới hơn 1.000 cây các loại tại các khu vực. Trồng vườn hồng, vườn bưởi, vườn ổi tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan (từ nguồn xã hội hóa); trồng 60 cây hoa ban tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan (phối hợp với Quân khu 4).

Phối hợp với Ban Quản lý lăng trồng vườn cam gồm 25 cây tại khu vực quê nội Bác Hồ, Phối hợp với Đoàn thanh niên Nghệ An trồng vườn cây điệp vàng (50 cây), phối hợp Hội Nông dân tỉnh trồng vườn cam 50 cây, Khu di tích Kim Liên trồng 200 cây ban, 100 cây hoa anh đào, 05 cây  bàng tại bãi xe. Trồng 60 cây bưởi diễn, 30 cây ổi tại các di tích và 192m dâm bụt tại Di tích cụ Vương Thúc Quý, khu mộ Bà Hoàng Thị Loan. 

Giai đoạn 2020 - 2025 có nhiều sự kiện quan trọng và có các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước như: Đại hội Đảng các cấp, 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 85 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam thành lập ngành Văn hóa thông tin. Đặc biệt là chuỗi hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ hội Làng Sen toàn quốc, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Khu di tích Kim Liên xây dựng kế hoạch phát động các phong trào thi đua đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động đoàn thể và ưu tiên phát triển sự nghiệp “Bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá Khu di tích Kim Liên – Khu di tích Quốc gia đặc biệt”. 

Đọc thêm