Tuy nhiên, do thời gian qua, các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm như khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke phát triển và ngày càng phố biến ở nội thành lẫn ngoại thành nên các đối tượng đã chuyển vào các địa điểm này hoặc các khu vực thuê trọ để hoạt động.
Từ đây, các loại tội phạm ma túy cũng lợi dụng để mua bán, dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng sử dụng trái phép ma túy; đồng thời nhiều người nghiện ở các tỉnh tiếp tục đổ về thành phố để sử dụng ma túy.
UBND TP cũng cho rằng, “nguồn cầu” trên địa bàn thành phố là rất lớn, trong đó, nhu cầu sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến và tăng cao vì ma túy tổng hợp được xem là thú chơi thời thượng.
Đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp thuộc diện “chơi sang”, có tiền, là các thanh thiếu niên thiếu sự quản lý của gia đình và xã hội, dễ bị kích động, thích cách sống với yếu tố “bầy đàn”, số đông.
Trong khi đó, việc xử lý người nghiện, người sử dụng các loại ma túy tổng hợp gặp nhiều khó khăn, khi các quy định như: xác định tình trạng nghiện, phác đồ điều trị... chưa cụ thể. Thậm chí, chế tài xử lý hình sự đối với hành vi “Sử dụng trải phép chất ma túy” được quy định tại Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) đã bãi bỏ.
Kết quả rà soát, thống kê các năm qua (từ năm 2016 - 2019), tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại thành phố gia tăng bình quân hơn 5,7%/năm (năm 2016: 21.712 người, năm 2017: 22.724 người, năm 2018: 23.508 người, năm 2019: 25.132 người).
Thống kê cũng cho thấy, đặc điểm người nghiện ma túy đang quản lý tại các cơ sở cai nghiện có nhiều thay đổi và ngày càng diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy tổng hợp chiếm tỷ lệ khoảng 70% - 80% và số người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm từ 25 - 35% nên gây không ít khó khăn trong công tác quản lý.
UBND TP đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu bổ sung hướng dẫn, chẩn đoán người nghiện các chất ma túy như: Ketamine, Cocaine, cần sa, Bồ đà và các chất hướng thần khác.
Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 5075 ngày 12/12/2007 và Quyết định số 3556 ngày 10/9/2014 của Bộ Y tế và Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.
Mặt khác, phải có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc đảm bảo sự có mặt của người nghiện trong thời gian xác định tình trạng nghiện của họ và kinh phí thực hiện. Chỉ đạo Cục Quản lý dược phối hợp, trao đổi thông tin, số liệu, nguồn xuất, nhập khẩu tiền chất chính dùng để sản xuất thuốc để các Sở, ngành và địa phương có thể theo dõi, đánh giá, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các sai phạm trong lợi dụng các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
UBND thành phố cũng xác định, xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ người nghiện như: câu lạc bộ Sức sống mới, mô hình gia đình phòng chống tệ nạn xã hội, mô hình tự quản về an ninh trật tự... tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến từng thành viên, từng gia đình có người thân nghiện ma túy cùng tham gia.
Qua đó, làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy...