Đón Tết ở bảo tàng

(PLVN) -Tết cổ truyền Tân Sửu 2021, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức hoạt động vui xuân - khám phá những giá trị văn hóa tinh thần, vật chất thông qua các hoạt động trình diễn, làm đồ chơi và chơi trò chơi dân gian của một số dân tộc.
Đón Tết ở bảo tàng

Chương trình được tổ chức từ ngày 15 – 21/2/2021 (tức ngày mồng 4 đến mồng 10 âm lịch). Đây là hoạt động thường niên của Bảo tàng đã được đông đảo công chúng đánh giá cao và chọn Bảo tàng là điểm đến quen thuộc mỗi khi tết đến xuân về.

Du khách sẽ bất ngờ với các góc Check – in độc đáo, mới lạ, lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng. Ngay cổng vào khu nhà Việt, khách tham quan được sống lại không gian vùng quê Bắc bộ với dậu dâm bụt xanh tươi, giếng nước khơi trong, cây rơm vàng óng... Đây là một điểm nhấn, một không gian đậm hồn quê. 

Tiếp đó, trong không gian sân nhà Việt, bằng những chất liệu dân gian được bài trí, sắp đặt tạo một không gian vừa quen, vừa lạ đem lại trải nghiệm khó quên dịp đầu xuân năm mới. Cũng phải kể đến góc “Mong ước đầu xuân” trong không gian khu nhà Việt. Khách thăm quan, đặc biệt là các bạn nhỏ sẽ chọn lựa cho mình tấm thiệp màu sắc xinh xắn, gửi gắm vào đó điều ước và tự tay treo lên cây lộc xuân để cầu mong một năm mới an lành, mọi điều như ý. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đang chuẩn bị dựng cây nêu
 Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đang chuẩn bị dựng cây nêu

Bên cạnh đó, khách tham quan sẽ được tìm hiểu ý nghĩa về tranh dân gian Đông Hồ. Các bạn nhỏ được trải nghiệm tự tay tô vẽ tranh 12 con giáp, nặn cho mình những chú tò he hình con trâu và những con vật yêu thích với nghệ nhân dân gian. Ngoài ra, khách tham quan còn có cơ hội làm những chú trâu ngộ nghĩnh, lọ hoa, hộp bút hình hình con trâu sinh động, đầy sắc màu từ các vật liệu phế thải. Đây là hoạt động không chỉ thể hiện sự khéo léo, khả năng sáng tạo mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp và hạn chế rác thải nhựa. 

Cùng với các hoạt động trải nghiệm, khách tham quan sẽ được thưởng thức chương trình rối nước dân gian đặc sắc do phường rối nước Đồng Ngư ở Thuận Thành, Bắc Ninh trình diễn tại khu Thủy đình. Các trò chơi dân gian ngày Tết của một số vùng miền cũng được tổ chức trong không gian xanh tại Bảo tàng như: chọi trâu, húc trâu, kéo co, chơi quay, đẩy gậy, nhảy bao bố, bắt chạch trong chum,… sẽ mang đến những giây phút hứng khởi cho khách tham quan vào dịp đầu xuân.

Bảo tàng còn có chương trình “Khám phá Tết Việt”. Đây là cách thức tổ chức mới dành cho khách đặt trước với số lượng hạn chế. Trong chương trình này, khách tham quan được hướng dẫn viên giới thiệu, khám phá không gian thiêng ngày tết của người Việt, tìm hiểu văn hóa 54 dân tộc Việt Nam, hóa thân thành nghệ nhân làm các loại bánh truyền thống, thử tài khéo tay làm đồ chơi, chơi trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực dân tộc. 

Ông Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng DTHVN chia sẻ: “Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, để tạo ra một điểm đến vừa an toàn, thu hút được đông đảo công chúng, lại vừa truyền tải được các giá trị truyền thống của dân tộc là sự cố gắng và niềm vinh dự của tập thể cán bộ, nhân viên tại Bảo tàng. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đến Bảo tàng với niềm đam mê và mong muốn được tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Đó là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy chúng ta đã giáo dục được thế hệ trẻ biết hướng về những giá trị truyền thống của cha ông. Sự có mặt và tham gia trải nghiệm của các bạn tại đây ngày hôm nay chính là nguồn động viên to lớn đối với những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc như chúng tôi". 

 “Tôi đã tham gia hoạt động Bảo tàng từ năm 2007, mỗi năm 1 – 2 lần, chuyên về trò chơi dân gian. Năm nay tôi dựng và phục chế cây nêu của người Việt. Cây nêu truyền thống đã bị mai một ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Hiện nay chỉ có lác đác một số nơi dựng nhưng chưa đúng theo truyền thống, thậm chí gây nguy hiểm. Chúng tôi muốn mọi người cùng nhau phát huy và dựng lại cây nêu để giữ gìn nét cổ truyền dân tộc. Mong Bảo tàng DTHVN tiếp tục duy trì việc giới thiệu ý nghĩa của ngày Tết truyền thống thông qua các hoạt động như thế này. Điều này sẽ giúp công chúng trở lại với những nét đẹp xưa và thêm yêu quý, trân trọng giá trị của cha ông” - ông Nguyễn Văn Quyền (Đàn Viên, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) nghệ nhân dựng cây nêu nói.

Đọc thêm