Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển kinh tế, xã hội từ năng lượng tái tạo

(PLO) - Hôm qua (15/11), tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và phát triển năng lượng bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các tổ chức thành viên của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức. 
Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu
Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu

Tránh lãng phí phụ phẩm nông nghiệp

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ NLTT Việt Nam 2016 diễn tra từ ngày 15 – 16/11 tại TP Cần Thơ. Chương trình diễn ra với chuỗi các hội thảo, tọa đàm, triển lãm, giới thiệu mô hình, định hướng phát triển NLTT trong thời gian tới.

Ông Trần Hữu Hiệp, Uỷ viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, năng lượng cần thiết cho mọi quốc gia để phát triển kinh tế, xã hội và ổn định đời sống dân cư. Đồng thời, an ninh năng lượng cũng là yếu tố quan trọng mà tất cả các nước quan tâm. Nhưng hiện nay, năng lượng hóa thạch, năng lượng dầu mỏ dần trở nên khan hiếm do nhiều yếu tố tác động, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều quốc gia. 

Vì vậy, Nhà nước ta xác định khuyến khích huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân tăng cường việc sử dụng NLTT, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, ĐBSCL có tiềm năng vào phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm rạ, trấu, bã mía và nguồn năng lượng từ chất thải chăn nuôi. Nhưng trong thời gian qua những nguồn năng lượng này đã bị lãng phí đáng kể. Cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng hiệu quả nguồn NLTT, phát triển kinh tế ít tiêu hao năng lượng, giảm đầu vào, nâng cao giá trị cho ĐBSCL. 

Ông Rafael Denga, chuyên gia kỹ thuật Chương trình Năng lượng bền vững, WWF-GMP chia sẻ với hội thảo, nguồn năng lượng từ than và các năng lượng hóa thạch rất nguy hại với môi trường, sức khỏe của con người, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe ở các nước. Hiện, mỗi năm có 5,5 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí.

Từ đó, theo ông Rafael Denga cần chuyển sang nguồn năng lượng bền vững: năng lượng mặt trời, gió, nước,... Đó là nguồn lực và tiềm năng sẵn có của Việt Nam. Từ các nguồn năng lượng này, tỷ trọng sử dụng năng lượng than đá, hóa thạch sẽ giảm đáng kể. Đồng thời, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động…  

Đi lên từ điện gió

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ nêu quan điểm của mình, trong tương lai các nhà máy nhiệt điện than sẽ gia tăng đáng kể. Năm 2010, chỉ có 12 nhà máy nhưng ước tính đến năm 2030, sẽ lên đến 70 nhà máy. Nhiệt điện than là một trong những nguyên nhân chính làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Khói bụi từ nhà máy nhiệt điện than có thể tạo ra các cơn mưa axit hủy hoại cây trồng, thủy sản và công trình. Đồng thời, gây ra các căn bệnh nguy hiểm ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch. Đặc biệt là giảm tuổi thọ trung bình của con người.

Hiện nay, NLTT gia tăng không ngừng ở các quốc gia. Trong đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình năng lượng này. Chính vì vậy, Chính phủ cũng đã công bố chiến lược tăng trưởng xanh với 3 mục tiêu, gồm: Khuyến khích sử dụng NLTT, năng lượng sạch; sản xuất xanh; lối sống xanh và khuyến khích tiêu dùng bền vững. Biến đổi khí hậu bất lợi với môi trường nhưng cũng trở thành điều kiện thuận lợi cho NLTT. Việt Nam với mùa hè kéo dài, mùa mưa ngắn, gió mạnh làm tăng lượng nắng và gió tạo điều kiện phát triển NLTT. 

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu thì nói, việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, giảm sự căng thẳng trong việc đảm bảo điện năng cho khu vực phía Nam nói chung. Bạc Liêu đã tập trung nguồn lực và có nhiều dự án phát triển nhà máy điện gió. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng đã có đề nghị rút lại dự án nhiệt điện để tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh… 

Đọc thêm