Đồng bào Cao Lan vui xuân mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Gác lại những bộn bề của năm cũ, người Cao Lan tại Phú Thọ lại cùng nhau chuẩn bị để đón năm mới trong đủ đầy, hân hoan. Không những vậy, cái cày, con trâu… của bà con Cao Lan cũng được “nghỉ tết” theo cách vô cùng độc đáo.
Từ ngày mồng 2 Tết trở đi, người Cao Lan sẽ tổ chức các trò chơi dân gian
Từ ngày mồng 2 Tết trở đi, người Cao Lan sẽ tổ chức các trò chơi dân gian

Sinh sống chủ yếu tại huyện Đoan Hùng, người Cao Lan (còn gọi là người Sán Chay) tỉnh Phú Thọ hiện có trên 6.000 người, quần tụ ở 6 làng thuộc các xã: Ngọc Quan, Hùng Long, Yên Kiện, Minh Phú, Tây Cốc và Vân Đồn. Đối với người Cao Lan, Tết Nguyên đán là một trong những dịp quan trọng, thể hiện rõ nhất bản sắc riêng của đồng bào mình.

Từ 25 tháng Chạp, bà con Cao Lan đã tạm dừng các công việc đồng áng, sản xuất để tất bật chuẩn bị cho việc đón năm mới. Trong những ngày nghỉ tết, việc đầu tiên bà con làm là rửa các nông cụ như cày bừa, cuốc xẻng… rồi xếp vào góc nhà. Trước tết 2 ngày (khoảng 28, 29 tháng Chạp), tất cả dụng cụ thuộc về gia đình, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà... đều được dán giấy đỏ để các đồ vật này cũng được "nghỉ Tết" như con người.

Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với họ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

Ở một số nơi, từng loại nông cụ sẽ được “chia” bánh chưng, trong đó một chiếc bánh chưng cho cày, một chiếc cho bừa, một chiếc chia chung cho các loại cuốc xẻng, cối xay, cối giã… người ta thắp hương cắm vào những chiếc bánh đó. Riêng con trâu được chia mỗi ngày tết một cái bánh chưng. Người Cao Lan coi đây là việc trả công cho vật dụng, vật nuôi đã cùng mình lao động vất vả quanh năm.

Tiếp đó là khâu chuẩn bị các loại bánh trái để đón năm mới. Bánh trưng, bánh gai là những món không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết, cũng được dùng đề làm quà biếu để đi lễ tết họ hàng nội ngoại. Cách làm bánh trưng của người Cao Lan cũng không khác so với cách làm của nhiều vùng, bánh làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn, được gói với lá dong. Đối với bánh gai, bánh được làm bằng bột gạo nếp trộn với lá gai và mật mía rồi cho vào cối giã nhuyễn, gói bằng lá chuối khô, bên trong là nhân đỗ xanh sau đó cho vào chõ xôi tới chín, bó 5 chiếc thành một cầu bánh để lên bàn thờ thắp hương, số còn lại được dùng trong những ngày tết.

Bên cạnh các loại bánh làm bằng gạo nếp, người Cao Lan còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết, do được làm hoàn toàn thủ công nên bún của người Cao Lan trắng, mềm và rất thơm ngon...

Đến ngày 30 Tết, mọi việc như vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, sắp đặt bàn thờ tổ tiên đã được hoàn thành. Cũng như người kinh, bàn thờ của người Cao Lan cũng có mâm ngũ quả, bánh kẹo, cành đào, cành mận hoặc hoa hải đường… Từ những ngày trước đó, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, chủ nhà đều thắp một nén hương thơm lên bàn thờ mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.

Buổi sáng ngày mùng 1 tết, sau khi cúng gia tiên, cả nhà quây quần bên mâm cỗ, con cháu mừng tuổi cho ông bà, trẻ nhỏ, sau đó chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản, còn các bà, các chị thì ở nhà làm cơm đón khách và vui tết tại nhà mình. Phải đến ngày mồng 2 trở đi thì các bà, các chị mới được đi chúc tết xóm làng.

Việc xuất hành trong ngày mùng 1 tết được đồng bào Cao Lan lựa chọn kỹ lưỡng. Mỗi nhà cử 1 người đi cùng trưởng bản đến một nơi đã định trước để hái lộc đầu xuân. Tục xông nhà của người Cao Lan cũng khá đặc biệt. Người nào trong năm cảm thấy cuộc sống của mình không trọn vẹn thì không đến xông nhà cho bất cứ nhà nào dù là người thân.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, tỉnh Phú Thọ hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Vì vậy, các trò chơi dân gian của bà con Cao Lan cũng không được tổ chức sôi động như mọi năm. Mặc dù vậy, Tết Nguyên đán của đồng bào nơi đây vẫn diễn ra đầm ấm, vui vẻ. Bên bếp lửa hồng, làn điệu Sình ca (loại hình xướng ca truyền thống của dân tộc Cao Lan) vẫn vang lên, gửi lời ước vọng về một năm mới luôn bình an, thuận lợi.

Đối với người Cao Lan, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc thêm gắn kết mà còn là dịp để tri ân đến tổ tiên, nguồn cội. Những phong tục, tập quán được bà con duy trì đến ngày nay cũng thể hiện tình yêu lao động, sự trân trọng đối với những điều đã cùng họ tạo dựng nên cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Đọc thêm