Xách ba lô lên biên giới, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã nỗ lực thực hiện những bài viết sống động về đời sống, nhiệm vụ... của những người lính biên phòng.
Dấu ấn Báo PLVN trên biên giới
Ngày 13/8/2014, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 104/2014/TT-BQP (Thông tư 104) quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam thay thế Thông tư 24/2009/TT-BQP. Mục tiêu lớn nhất của việc ban hành Thông tư 104 là bảo đảm các định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó hướng mạnh về đơn vị cơ sở, ưu tiên các đơn vị đủ quân, đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ đặc biệt, hoạt động ở vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, gian khổ.
Theo đó, đại đội đủ quân, đồn biên phòng, phi đội không quân vận tải, trực thăng, tuần thám, ngành của tàu cấp 1 và cấp đội thuộc các kho, xưởng, trung tâm và tương đương được cấp phát Báo PLVN.
Vì vậy, hơn 10 năm qua, theo quy định này, Báo PLVN đã có mặt ở các đồn biên phòng (ĐBP) xa xôi nhất, các đảo tiền tiêu, cập nhật các văn bản luật, mang những kiến thức pháp luật, những tình huống, câu chuyện pháp luật, giải đáp pháp luật tới những người lính biên phòng. Những kiến thức pháp luật ấy đã được cán bộ, chiến sĩ biên phòng chuyển tải tới người dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền.
Xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, các ngành, các cấp chính quyền và địa phương, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng (BĐBP) đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phong phú, phù hợp, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên hai tuyến biên giới đất liền và vùng biển, qua đó, góp phần nâng cao ý thức đấu tranh, bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết, để hoạt động tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã phối hợp với cơ quan Tư pháp các cấp, các ban, ngành tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ BĐBP và cán bộ các xã, phường, người có uy tín tại địa bàn; tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của các xã, phường thuộc các huyện, thành phố biên giới, ven biển; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới, ven biển; xây dựng các tiểu phẩm pháp luật và tổ chức đi lưu diễn trên hai tuyến biên giới và các đồn biên phòng.
Đặc biệt, các ĐBP đã áp dụng mô hình “04 cùng”: cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn thực hiện “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với nhân dân, giúp nhân dân đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từ bỏ các tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa.
Những người lính Biên phòng đã trở thành cầu nối quan trọng, chuyển tải những thông tin pháp luật được đăng tải trên Báo PLVN đến người dân, nhằm tuyên truyền về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chính sách định canh, định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu, không du canh du cư; không sinh con thứ 3; phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển buôn bán ma túy và các chất gây nghiện... Nhờ đó, những năm gần đây tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tặng quà, sách pháp luật và báo cho Đồn Biên phòng Bình Liêu, BĐBP Quảng Ninh. |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai đọc sách báo nâng cao kiến thức. |
Chung tay xóa nghèo pháp luật vùng biên giới, hải đảo
Miền núi cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo là những địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là những vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng của đất nước. Từ các chính sách quan tâm, đầu tư cho vùng đặc biệt quan trọng này, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng ưu tiên đầu tư, phát triển đưa kinh tế - xã hội phát triển và đời sống nhân dân nơi đây cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế, do đó tình trạng người dân vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết pháp luật vẫn còn xảy ra. Đặc biệt là tuyến biên giới đất liền, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặt bằng dân trí thấp, trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế thì tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra phổ biến hơn.
Không chỉ ấn phẩm Báo PLVN đồng hành cùng BĐBP, những năm qua, Báo PLVN đã tổ chức hiệu quả chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật vùng biên giới, hải đảo”. Chương trình này có đông đảo tổ chức, cá nhân tham gia, mỗi năm được làm mới, phù hợp và hiệu quả, đảm bảo cho công tác tuyên truyền pháp luật vùng biên giới, hải đảo.
Để triển khai chương trình này, Báo PLVN đã soạn thảo, xuất bản nhiều cuốn sách pháp luật giới thiệu các chính sách, các quy định pháp luật thiết thực, cụ thể, dễ hiểu cho người dân ở khu vực biên giới. Những nội dung pháp luật được Báo PLVN chú trọng phổ biến, gồm pháp luật về quốc phòng, an ninh, tín ngưỡng, tôn giáo, hôn nhân - gia đình, đất đai…
Tại khu vực biên giới biển, việc PBGDPL đã trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của ngư dân khi thực hiện khai thác thủy sản; đồng thời, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ hiểu hơn về pháp luật cũng như các vấn đề liên quan đến quy định vùng đánh bắt, xử phạt đối với vi phạm trong nghề thủy, hải sản và chủ quyền biển đảo… Đảm bảo hoạt động đánh bắt, khai thác đúng quy định của pháp luật.
Công tác phối hợp tuyên truyền, PBGDPL cho người dân khu vực biên giới đã giúp cho bà con các dân tộc trên địa bàn các xã biên giới nâng cao hiểu biết pháp luật, tự mình giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, hạn chế tình trạng khiếu nại không có cơ sở, khiếu nại vượt cấp, khiếu nại đông người trên địa bàn.
Không chỉ tặng Báo PLVN, sách pháp luật cho các xã biên giới, góp phần tuyên truyền, PBGDPL, những năm qua, Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật vùng biên giới, hải đảo” đã đến nhiều tỉnh, thành biên giới trong toàn quốc tặng cờ Tổ quốc, tặng quà, nhà tình nghĩa cho người nghèo.
Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam không chỉ đơn thuần là những hành trình khai thác đánh bắt hải sản. Hình ảnh mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Phấn khởi khi trên tay cầm lá cờ đỏ, ngư dân Nguyễn Xuân Hồng (ở xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ, nhận được những lá cờ của Báo PLVN trao tặng, chúng tôi cảm thấy việc làm này hết sức ý nghĩa, những lá cờ thật đáng trân trọng. Cờ Tổ quốc tung bay trên những con tàu giữa biển khơi không chỉ để người ta nhận biết con tàu đó đến từ quốc gia nào mà nó còn mang trên mình sự kiêu hãnh của những con người vươn khơi bám biển. Đó là niềm tin, niềm tự hào khi góp sức mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.