Đại tá Vũ Hồng Văn phát lệnh ra quân trấn áp tội phạm |
Theo thông tin từ lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai, hiện nay tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trên địa bàn toàn tỉnh rất phức tạp, chỉ cần có cơ hội các đối tượng sẽ đốt pháo. Nếu không đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, đến thời điểm Tết Nguyên đán, tình trạng đốt pháo sẽ diễn ra tràn lan.
Tại Đồng Nai, địa phương không có đường biên giới, lại nằm sâu trong nội địa nên không có các đường dây, tụ điểm mua bán lớn. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng pháo nhiều nên một số đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật, kết nối với nhiều đối tượng tại các địa phương khác để tìm kiếm nguồn hàng tuồn vào địa bàn tiêu thụ.
Tiếp nhận vị trí Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Đại tá Vũ Hồng Văn, người luôn có tư tưởng kiên quyết trong trấn áp tội phạm đã chỉ đạo công an các huyện và thành phố cần tập trung nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trên địa bàn.
Đối với những vụ việc đã phát hiện, nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can; thống nhất với viện kiểm sát, tòa án để nhanh chóng đưa ra xét xử công khai trước Tết Nguyên đán nhằm răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung.
Dưới sự chỉ đạo toàn diện và quyết liệt của Đại tá Giám đốc Công an Vũ Hồng Văn, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng cuối năm 2019, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện bắt quả tang và xử lý 34, 39 đối tượng tàng trữ, sử dụng và mua bán trái phép pháo nổ.
Trong đó, Công an TP Biên Hoà đã xử lý 26 vụ, 31 đối tượngvề các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo lậu, thu giữ hơn 400kg pháo các loại. Qua điều tra đã khởi tố 4 vụ với 6 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm. Xử phạt hành chính 15 vụ và 16 đối tượng.
Đối tượng Phạm Văn Sơn cùng tang vật |
Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết không mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo. Địa bàn nào để xảy ra tình trạng đốt pháo, nhân dân phản ánh thì xem xét xử lý trách nhiệm của cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn và trưởng công an tại phường, xã đó, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo công an huyện, thành phố.
Trung tá Mai Đức Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Biên Hòa cho biết, để ngăn chặn các vụ mua bán, tàng trữ pháo, Ban chỉ huy đội đã chỉ đạo lực lượng trinh sát phối hợp với công an các địa phương tăng cường rà soát nắm tình hình các đối tượng nghi vấn để có biện pháp xử lý. Thông qua các kênh thông tin, lực lượng trinh sát cũng sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép, gây mất an ninh trật tự.
Thiếu tá Mai Đức Hiền, Phó trưởng Công an phường Trảng Dài cũng cho biết, trước tình trạng đốt pháo vẫn xảy ra ở nhiều nơi, Công an phường đã xây dựng chuyên đề riêng để đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng pháo.
Trong đó, Công an phường tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, những gia đình có thanh, thiếu niên từng đốt pháo. Đối với những khu vực công cộng có khả năng xảy ra đốt pháo, lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuần tra, khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện sử dụng pháo thì kiểm tra, thu giữ, lập biên bản xử lý.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xây dựng kế hoạch tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát chống hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại dịp cuối năm.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng, tổ chức tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng lậu ngay từ những ngày đầu mở cao điểm (đợt cao điểm diễn ra từ ngày 20-12-2019 đến 14-2-2020). Trong đó đáng chú ý nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh sẽ tập trung vào kiểm tra hoạt động kinh doanh, phân phối hàng hóa của các tổ chức, cá nhân ở trung tâm mua bán, chợ, các khu vực tập trung đông dân cư; các kho, bãi, địa điểm thường tập kết hàng hóa… Đặc biệt việc kiểm tra sẽ được thực hiện một cách đột xuất hoặc kiểm tra ngay khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, số pháo nổ phát hiện bắt giữ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu vào nước ta. Đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để giao dịch mua, bán pháo nổ nhằm kiếm lời. Phần lớn các đối tượng vi phạm liên quan đến pháo nổ là học sinh, sinh viên, sống phụ thuộc vào gia đình. Do vậy, gia đình và nhà trường phải nâng cao vai trò trách nhiệm, quản lý giáo dục con, em mình không để tàng trữ, vận chuyển, mua bán, đốt pháo nổ.
Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo. Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong việc xử lý triệt để tình trạng này.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các ngành, chính quyền các địa phương phải xác định pháo là hàng cấm, việc phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về pháo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì lực lượng công an.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Vũ Hồng Văn - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện, bắt và xử lý nhiều vụ vi phạm về pháo. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bề nổi. Trong khi đó, cái gốc của vấn đề này là các ngành chức năng phải tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức và mỗi người dân trước những hành vi vi phạm pháp luật. Khi không còn nhu cầu sử dụng pháo thì nguồn cung (dẫn đến các vi phạm về pháo) sẽ tự triệt tiêu.