Thời gian gần đây nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong đó có huyện Nhơn Trạch đang ra sức tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và định hướng cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội để các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường trong cả nước, từ đó giúp nâng cao giá trị nông sản của huyện nhà và mở rộng việc quảng bá cho các sản phẩm tiềm năng.
Triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Nhơn Trạch đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia.
Theo lãnh đạo phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết hiện nay trên địa bàn huyện đang có 4 vùng sản xuất chính, nhưng chỉ có khu vực ven sông Đồng Nai là phát huy được tiềm năng về nông nghiệp, nhất là trồng lúa và sen. Nổi bật có các sản phẩm làm từ cây sen của HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Trường Phát đã tạo được thương hiệu riêng và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Còn vùng khu vực Ông Kèo, phòng Kinh tế cũng đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu từ trồng cây mía sang trồng cây có giá trị cao hơn như dừa, chuối, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Hiện phòng kinh tế đang có giải pháp nhân rộng, từng bước mở rộng diện tích vùng sản xuất, hướng tới mục tiêu để những nông sản này tham gia vào OCOP.
Để tìm ra các sản phẩm thương hiệu, huyện Nhơn Trạch đã thành lập được Hội đồng đánh giá và nâng hạng các sản phẩm, trong 2 năm qua, đã tổ chức đánh giá, xếp hạng một số sản phẩm tiềm năng trên địa bàn. Để phát triển một sản phẩm thì việc đầu tiên cần làm là xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên những sản phẩm của huyện có thương hiệu còn rất ít, do đó phòng cũng đang rà soát và hỗ trợ nhiều hơn cho các sản phẩm nông nghiệp để giúp các cơ sở có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất.
Phía phòng Kinh tế cho rằng, quy trình từ khâu tiếp nhận đến hỗ trợ ý tưởng, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đánh giá sản phẩm và xúc tiến thương mại được phòng thực hiện hằng năm chứ không đợi có sản phẩm mới tiến hành. Khi sản phẩm được đánh giá 3 sao sẽ triển khai xúc tiến thương mại.
|
Chế biến sản phẩm OCOP |
“Năm nay do tình hình dịch bệnh nên các hoạt động quảng bá cũng gặp hạn chế, khó khăn. Nhận thấy tại một số xã cũng đã xuất hiện những sản phẩm mang tính đặc trưng. Do đó, trong năm 2022, phòng Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm này, từ đó nhận biết những hạn chế của sản phẩm và có cách khắc phục để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP”, ông Nguyễn Văn Nhân – Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết.
Liên quan đến sản phẩm OCOP, bà Nguyễn Thị Bích Lệ - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát cho biết, đến nay, HTX có 16 sản phẩm từ cây sen, trong đó có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao, HTX được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm và mở rộng nguồn khách hàng địa phương. Tuy nhiên, để có thể tạo thêm nguồn lực và tạo động lực cho các chủ thể phát triển sản phẩm, huyện Nhơn Trạch cần có những chính sách hỗ trợ về kinh phí cho những sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh nhằm thu hút sự tham gia của người dân. Cũng như có sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với các hồ sơ đăng ký, giúp quá trình xét và công nhận sản phẩm theo chuẩn OCOP đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân, đồng thời là chủ cửa hàng Phúc Bảo tại xã Phú Hội vừa có sản phẩm Trà Phú Hội được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm 2021, ông Sang phấn khởi cho biết: “Để phát triển thương hiệu trà Phú Hội và gia nhập OCOP, tôi rất vui mừng vì thành quả đạt được có sự giúp đỡ của hội Nông dân huyện, phòng Kinh tế và sự chỉ dẫn của chị Lệ (HTX DVNN Trường Phát). Hiện sản phẩm trà Phú Hội được thiết kế bao bì, mẫu mã đa dạng theo 5 quy cách đóng gói để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng như: theo dạng túi zipper, túi giấy, đóng hộp,…các sản phẩm trà của cửa hàng đã có thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là vào dịp lễ, tết nhu cầu biếu tặng và sử dụng tăng cao. Nhằm tiếp tục giữ vững thương hiệu và nâng hạng sản phẩm, dự kiến đến năm 2025, cửa hàng sẽ nghiên cứu, sản xuất thêm mẫu trà túi lọc và bột trà matcha, đồng thời, có hướng cải tạo giống trà theo phương pháp chiết cành để nâng cao chất lượng cây trà và mở rộng diện tích”.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị hội Nông dân các cấp tiếp tục hỗ trợ về vốn vay cho các hộ nông dân trong khâu trồng, sản xuất và kinh doanh trà Phú Hội để phát triển vùng nguyên liệu; ông cũng mong muốn phòng Kinh tế có hỗ trợ về kinh phí cho các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đồng thời hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình đăng ký nhãn hiệu và nâng hạng sản phẩm.
Việc đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP cũng sẽ giúp tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của từng vùng trên địa bàn các địa phương, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.