Sau 3 vòng của chiến dịch xét nghiệm COVID-19 diện rộng, toàn tỉnh Đồng Nai đã xác định khoanh 40/170 xã, phường, thị trấn thuộc “vùng đỏ”. Đặc điểm chung của những “vùng đỏ” này là rất đông đúc công nhân lao động cư ngụ ở các khu nhà trọ chật chội, điều kiện vệ sinh thấp kém.
Vào thời điểm nửa cuối tháng 7/2021, ngành Y tế đã ghi nhận nhiều khu trọ tại xã Thạnh Phú (H. Vĩnh Cửu) và phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) có số lượng người thuê trọ bị lây nhiễm chiếm đến 50%. Hiện tại, ông Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu, địa phương có số ca mắc COVID-19 cao chỉ sau TP Biên Hòa, cho biết: Từ đầu mùa dịch đến nay, hàng nghìn ca nhiễm ở địa phương tập trung tại xã Thạnh Phú, nơi có hàng chục nghìn công nhân lưu trú trong các khu nhà trọ.
“Các khu nhà trọ mật độ dân cư đông đúc là nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát nhanh và lây nhiễm kéo dài. Có những khu nhà trọ xét nghiệm đến lượt thứ 6 vẫn còn F0” - ông Nguyễn Văn Thuộc, nói. Do đó, ngay từ rất sớm, cả hệ thống chính trị ở Đồng Nai đã xác định công tác truy vết, khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cắt đứt nguồn lây ở khu vực nhà trọ sẽ là mặt trận đầy phức tạp, cam go, nóng bỏng.
|
Hơn 8000 công nhân của Công ty Tea Kwang Vina (KCN Biên Hòa 2) được tiêm vaccine để sớm trở lại nhà máy. |
Nhằm hạn chế nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, ngày 8/9, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đã ký ban hành kế hoạch phòng chống dịch tại các nhà trọ có ca mắc COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, từ ngày 8 đến 15/9, lực lượng chức năng Đồng Nai sẽ cho phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine cho 1.560 nhà trọ với 110.334 nhân khẩu tại 5 huyện, thành phố gồm Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Đây là những địa phương tập trung đông công nhân lao động nhất tại Đồng Nai.
Mục tiêu kế hoạch đặt ra là, 100% nhà trọ có ca mắc được xác định là ổ dịch phải tiến hành phong tỏa toàn diện; 100% người dân lưu trú trong khu nhà trọ được tăng tần suất lấy mẫu xét nghiệm PCR 2 ngày/lần; 80% người trên 18 tuổi tại khu nhà trọ được tiêm vaccinbe ít nhất 1 mũi.
Trong đó, 100% ca dương tính được chuyển đi cách ly theo dõi, điều trị, F1 được đưa đi cách ly tập trung. Các địa phương bố trí chốt kiểm soát đảm bảo người trong nhà trọ không tiếp xúc hoặc đi ra bên ngoài, khử trùng toàn bộ phòng trọ bằng dung dịch Cloramin B 0,5%. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho đến khi kết thúc ổ dịch tại nhà trọ (14 ngày không ghi nhận ca dương tính mới); lấy mẫu PCR mẫu đơn đối với 100% người trong nhà trọ và F1; lấy mẫu PCR mẫu gộp 5 đối với các trường hợp khác.
Cụ thể ước tính, 5 địa phương trên sẽ lấy gần 80.000 mẫu xét nghiệm PCR, gồm 66.200 mẫu gộp 5; và 13.240 mẫu đơn 100% đối với 100% người trong nhà trọ, các F1 là những người cùng phòng hoặc có tiếp xúc gần với ca bệnh. Dự tính, tổng kinh phí để thực hiện kế hoạch quan trọng này là 30,9 tỉ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, mấy ngày gần đây, tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch di dời hàng nghìn công nhân lao động ở khu vực có nguy cơ rất cao thuộc “vùng đỏ” nhằm tổ chức giãn cách nhà trọ tối đa có thể. Giãn cách mật độ dân số, chia nhỏ vùng đỏ được xem là giải pháp tình thế, cần thiết áp dụng tại một số khu nhà trọ ở TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu để khống chế lây nhiễm kéo dài, giúp giảm số ca dương tính, tiến tới “xanh hóa”, kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19 ở những khu nhà trọ.
|
Công nhân của Công ty Chang Shin (Vĩnh Cửu – Đồng Nai) phấn khởi vì được tạo điều kiện tiêm vắc xin |
Tuy nhiên, lãnh đạo các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, TP Biên Hòa đều phản ánh công tác này gặp khó khăn do hầu hết các cơ sở giáo dục đã được sử dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, không còn nơi để giãn cách.
Trên tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, để “chia lửa” với các địa phương bạn, ngày 9/9, các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ nhất trí sẽ tiếp nhận khoảng 4.500 công nhân từ các nhà trọ đến từ huyện Nhơn Trạch, còn huyện Trảng Bom sẽ tiếp nhận công nhân của huyện Vĩnh Cửu.
Tại cuộc họp sáng 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ tích cực làm việc với các địa phương để bàn giải pháp hỗ trợ giãn cách công nhân ở những nơi có nhiều khu nhà trọ, xử lý dứt điểm nguyên nhân lây nhiễm, không để dây dưa kéo dài.
Về lâu dài, nhằm khắc phục tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong các khu nhà trọ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng xây dựng Nghị quyết về quy chuẩn nhà trọ trên địa bàn tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; giao nhiệm vụ cho các địa phương phải xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Nghiêm túc nhìn nhận tỉnh Đồng Nai đang “mắc nợ” về nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sau đợt dịch này phải siết chặt quản lý các khu nhà trọ, tính toán để đưa công nhân lao động của một doanh nghiệp ở chung một khu để thuận tiện cho việc quản lý. Dự án nào xây dựng khu nhà trọ công nhân phải có quy chuẩn rõ ràng, không thể để tình trạng lung tung như hiện nay.
Song song với các biện pháp chế tài, nhằm đảm bảo “an dân”, đặc biệt là cư dân lao động thu nhập thấp ở các khu nhà trọ ở yên một chỗ để phòng, chống dịch, tính đến nay, tỉnh đã tiến hành chi 252,61 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, toàn bộ nguồn lực xã hội hỗ trợ phòng, chống dịch và số gạo Chính phủ xuất cấp mà Đồng Nai nhận được đã nhanh chóng chuyển đến tận tay đối tượng cần thụ hưởng, chủ yếu là người dân ở các khu nhà trọ, các xã, phường “vùng đỏ”.
Tính đến sáng 10/9, tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh Đồng Nai là 33.019 ca và 301 ca trong số này đã tử vong.
Tín hiệu tốt sau 3 tháng ròng rã không lùi bước trước dịch bệnh được ngành Y tế địa phương nhận định lúc này là, số ca mắc mới ngoài cộng đồng được phát hiện rất ít. Vì lẽ đó, ngày 9/9, CDC Đồng Nai đã có văn bản hoả tốc đề nghị các địa phương rà soát tình hình dịch bệnh cụ thể trên địa bàn để tiến hành phong toả diện hẹp theo quy mô từng ổ dịch, thay vì phong toả quy mô lớn toàn bộ xã, phường như hiện nay.
Động thái này nhằm giảm bớt sự khó khăn, bất tiện cho người dân, nhưng sẽ được tỉnh tính toán cẩn trọng sao cho việc “mở cửa” trở lại trạng thái “bình thường mới” phải đảm bảo an toàn.