Đồng Tháp: chuyện anh Lê Đức Bo đổi thay số phận từ khởi nghiệp với cây Sen

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Là người con của Đồng Tháp, anh Lê Đức Bo (sinh năm 1978) ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp quyết tâm mang đến những giá trị mới về kinh tế cho cây Sen và tư duy “dám nghĩ, dám làm”. Anh Lê Đức Bo bắt tay vào khởi nghiệp từ việc trồng Sen.

Dám nghĩ, dám làm

Hành trình khởi nghiệp của anh Bo bắt đầu từ năm 2010. Ban đầu, anh Bo tiến hành trồng Sen trên 3 công đất (hơn 3 nghìn mét vuông) do vợ chồng anh thuê được. Do “thiên thời địa lợi” và cùng với sự cố gắng của vợ chống anh Bo, sau khi thu hoạch vụ Sen đầu tiên vợ chồng anh đã thu về 15 triệu đồng tiền lãi.

Sau thành công trên, năm 2012, vợ chồng anh Bo đã quyết định mở rộng diện tích đất trồng Sen bằng việc thuê thêm 2ha đất. Thành công tiếp nối thành công, với vốn kinh nghiệm tích lũy được ở vụ Sen đầu tiên và kem theo giá gương sen tăng mạnh nên vợ chồng anh Bo đã hốt bạc sau khi kết thúc vụ Sen năm 2012 với tổng số tiền lãi trên 250 triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn đã đến với vợ chồng anh Bo, khi cả hai quyết định mở rộng thêm diện tích đất trồng Sen nhằm đảm bảo nguồn cung cho đối tác cũng như tăng thêm thu nhập cho bản thân. Năm 2014, anh Bo đã quyết định đầu tư thêm 10ha đất để trông Sen lấy gương. Nhưng trong thời điểm này, giá gương Sen liên tục giảm mạnh, ruộng Sen thì bị dịch bệnh tấn công, điều đó đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập cũng như khiến cho gia đình anh Bo rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Anh Lê Văn Bo và ruộng Sen của mình (nguồn ảnh: Báo Đồng Tháp Online).

Anh Lê Văn Bo và ruộng Sen của mình (nguồn ảnh: Báo Đồng Tháp Online).

Cứ tưởng khó khắn trên sẽ dập tắt đi quyết tâm làm giàu từ cây Sen của người đàn ông này, nhưng “trời không phụ lòng người”. Anh Bo chia sẻ: “Ban đầu khi trồng Sen với diện tích ít thì còn có lợi nhuận, nhưng khi bắt đầu làm lớn lên thì càng làm càng lỗ. Thời điểm đó, mỗi lần đi thăm ruộng là tôi về nhà rầu lo, ngủ không được vì Sen cứ thúi ngó chết liên tục, nhất là những ruộng Sen đã trồng nhiều mùa thì tỉ lệ chết lại càng dữ. Trong khoảng thời gian đó, trong những lần đi giao gương sen cho khách hàng, chạy ngang mấy khu rừng tràm của Gáo Giồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim, tôi thấy vô cùng ngạc nhiên, vì Sen tự nhiên ở những nơi này đâu ai bón phân, xịt thuốc nhưng chúng vẫn vươn mình tươi tốt. Sau khi chiêm nghiệm và đắn đo, tôi quyết định “làm liều” lần nữa với ruộng Sen của gia đình. Tôi bắt đầu thí nghiệm giảm phân thuốc trên những ruộng Sen. Một số ruộng tôi cắt hẳn phân thuốc hóa học rồi chuyển sang sử dụng phân hữu cơ. Sau thời gian, tôi nhận thấy những ruộng Sen được sử dụng phân hữu cơ và cắt hẳn phân thuốc hóa học thì cây sen dần hồi phục và không còn bị bệnh nữa. Từ lần thí nghiệm đó, tôi đã quyết tâm chuyển hẳn theo con đường trồng sen hữu cơ”.

Quyết tâm làm giàu từ cây Sen

Từ những chuyến đi giao hàng "định mệnh" đó, anh Bo đã thay đổi tư duy trong cách trồng, chăm sóc Sen. Từ việc sử dụng những loại thuốc, phân bón hóa học, anh đã chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ. Trong khoảng thời gian triển khai trồng Sen theo hướng hữu cơ, anh Bo đã được chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp học về khởi nghiệp và chế biến.

Đến nay, anh Bo đã gặt hái được nhiều thành công, cũng như tích lũy cho bản thân được nhiều kinh nghiệm về trồng Sen, chế biến các sản phẩm từ cây Sen cũng như “trau chuốt” hơn cho các sản phẩm của mình. Hiện tại anh đã là chủ của 20ha Sen trồng theo hướng hữu cơ và anh cũng trở thành người cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp đối tác lớn trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, anh Bo có thể cung cấp cho thị trường trên 100 tấn gương sen và nhiều sản phẩm khác từ cây Sen như: Sen lụa, lá sen, hoa sen, tim sen……. Những năm gần đây, lợi nhuận mà gia đình anh Bo thu được trung bình trên 250 triệu đồng/năm.

Không dừng lại đó, với vốn kiến thức được học tại các lớp học về khởi nghiệp và chế biến, cùng với những kinh nghiêm tích lũy bao năm qua. Năm 2018, anh Lê Văn Bo đã quyết định nghiên cứu sản phầm rượu làm từ cây Sen, anh đã thành công khi sản phẩm rượu sen đã được bán ra trên thị trường với cái tên là “Hoa sen Tửu Lê Bo”. Hơn thế nữa, sản phẩm rượu “Hoa sen Tửu Lê Bo” của anh cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Hiện UBND xã Gáo Giồng cũng đang hỗ trợ giúp anh về các hồ sơ thủ tục cần thiết để sản phẩm Hoa Sen Tửu Lê Bo tham gia bình chọn sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp năm 2021.

Sau hơn 10 năm gắn bó với cây Sen, trải qua không ít thăng trầm từ thành công đến thất bại, anh Bo chia sẻ: “Mặc dù làm sen theo hướng hữu cơ không xài phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật năng suất có giảm những bù lại có thể thu hoạch thời gian dài. Bên cạnh đó, khi làm theo hướng hữu cơ, cây sen của mình sạch từ đầu đến chân. Nên không chỉ bán gương sen mà giờ đây bất kể bộ phận nào của cây sen mình cũng có thể khai thác thương mại hết, không bỏ phí như trước đây”. Câu chuyện trên sẻ là hành trang cho những ai muốn vượt lên số phận, phát triển kinh tế từ “cây Sen”.

Đọc thêm