Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 86 nhà chí sĩ Nguyễn Quang Diêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lễ giỗ diễn ra trong 2 ngày 12 – 13/6 (nhằm 14 và 15/5 năm Nhâm Dần) tại Khu di tích Mộ Cụ Nguyễn Quang Diêu (ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Đây là hoạt động được UBND xã Tân Thuận Tây duy trì tổ chức hàng năm nhằm ghi nhớ công lao của cụ Nguyễn Quang Diêu đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, hiếu học và lòng tự hào dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm Cụ Nguyễn Quang Diêu

Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm Cụ Nguyễn Quang Diêu

Tại lễ giỗ, các đại biểu đã cùng ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Quang Diêu. Đồng thời thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công lao to lớn của cụ đối với quê hương, đất nước. Trong khuôn khổ lễ giỗ, còn diễn ra hội thi làm bánh tét, hội thi viết thư pháp, trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương, giao lưu đờn ca tài tử…

Khu Di tích mộ Cụ Nguyễn Quang Diêu khánh thành vào ngày 14/02/2007 và được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Tên Cụ Nguyễn Quang Diêu được đặt cho các tuyến đường trong tỉnh, tên trường học tại TP Cao Lãnh và huyện Tân Hồng, đặc biệt là Giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên Nguyễn Quang Diêu.

Chân dung chí sĩ Nguyễn Quang Diêu

Chân dung chí sĩ Nguyễn Quang Diêu

Cụ Nguyễn Quang Diêu, sinh năm Canh Thìn (1880) tự là Tử Ngọc, hiệu Cảnh Sơn (hay Nam Sơn), người thôn Tân Thuận Tây, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Sinh trưởng trong một gia đình cấp tiến, từ nhỏ, ông vừa theo Nho học vừa được học chữ Quốc ngữ với cụ Tú Tịnh, rồi cụ Tú tài Trần Hữu Thường.
Ðầu thế kỷ 20, các phong trào Ðông Du, Duy Tân hoạt động sôi nổi trong cả nước, ông bắt đầu hoạt động cách mạng, cổ động cho Khuyến du học hội của Nguyễn Thần Hiến và truyền bá thơ văn yêu nước, liên kết bạn bè. Ông có nhiều đóng góp trong hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông là người trực tiếp dẫn đoàn thanh niên xuất dương năm 1913. Công lao lớn của ông là giác ngộ quần chúng nông dân, nhất là thanh niên đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính chuyển sang chủ nghĩa yêu nước có xu hướng xã hội chủ nghĩa.

Đọc thêm