Đồng Tháp xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới theo hướng bền vững, ổn định

(PLVN) - Ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa có buổi đi thực tế làm việc với người dân khu vực biên giới. 

Nội dung buổi làm việc xoay quanh vấn đề phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng, hiện đại; ổn định và từng bước phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu. Huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực biên giới. Chăm lo phát triển văn hóa – xã hội; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới theo hướng bền vững, ổn định dân cư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ngoài ra, phải xây dựng khu vực biên giới theo con đường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đầu tư phát triển đô thị gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới góp phần nâng cao đời sống cũng như thu nhập và ổn định việc làm của nhân dân hai nước vùng biên giới.

Ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đến thăm hỏi tình hình kinh doanh của người dân vùng biên giới.

Với mục tiêu đề ra, Đảng bộ Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025: Thu ngân sách trên địa bàn khu vực biên giới tăng 10 – 12%/năm; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu tăng 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 9 – 11%/năm. Về văn hóa – xã hội, có 95% dân cư tham gia bảo hiểm y tế; 92,3% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; các chỉ tiêu về giáo dục và đào đạt mức bình quân của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3,0%; hằng năm hỗ trợ việc làm cho hơn 6.150 lao động.

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong việc phát triển kinh tế vùng biên giới, Đảng bộ Đồng Tháp đã đưa ra nhiều nhiệm vụ cũng như giải pháp chủ yếu và cho đây là động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng phát triển khu vực biên giới; nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước khu vực biên giới. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; bảo vệ tài nguyên và môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đọc thêm