Thế nhưng hơn một năm trôi qua, không những không thực hiện đúng cam kết của mình, Cty Mefrimex còn ra điều kiện nếu không được cho khoanh nợ và không tính lãi thì sẽ trả lại dự án cho TCty 36.
Cam kết 30 ngày, kéo dài vô thời hạn
Được sự cho phép của UBND TP.Hà Nội và sự đồng thuận của các hộ dân, ngày 23/1/2014 TCty 36 đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án nhà B6 Giảng Võ cho Cty Mefrimex. Theo đó, sau khi đối chiếu công nợ thì Cty Mefrimex có trách nhiệm thanh toán cho TCty 36 hơn 156 tỷ đồng trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau nhiều lần bàn thảo và thúc giục đối tác thì TCty 36 vẫn không nhận được tiền theo cam kết trên. Hậu quả là dự án nhà B6 Giảng Võ vẫn phải “đắp chiếu”, không thể hoàn thành đúng tiến độ, hàng trăm người dân không có nhà tái định cư.
Biện minh cho việc vi phạm hợp đồng của mình, Cty Mefrimex lấy lý do “một số kế hoạch tài chính của Cty chưa thực hiện được, do tình hình kinh tế chung…”. Thậm chí, trong một số văn bản gửi TCty 36 và đại diện các hộ dân nhà B6, Cty Mefrimex còn có ý “đổ lỗi” cho TCty 36 rằng: “Cty Mefrimex mới chỉ được bàn giao dự án trên giấy tờ mà chưa được bàn giao trên thực địa”, hoặc “Cty Mefrimex chưa chính thức là chủ đầu tư dự án”.
Đưa ra nội dung trên, Cty Mefrimex có lẽ đã “quên” một nội dung rất quan trọng trong hợp đồng là “thời gian bàn giao hồ sơ, bàn giao trên thực địa là 30 ngày làm việc khi bên nhận chuyển nhượng đã thanh toán đủ số tiền cho bên chuyển nhượng theo cam kết”. Chưa thanh toán tiền, tại sao Cty Mefrimex lại đòi hỏi phải được bàn giao trên thực địa?
Trong khi đó, đại diện TCty 36 cho hay: “Chúng tôi đã rất thiện chí, tạo điều kiện cho đối tác. Mặc dù Cty Mefrimex không thanh toán tiền theo hợp đồng nhưng TCty 36 vẫn thực hiện bàn giao các tài liệu của dự án, xuất hoá đơn GTGT cũng như thông báo việc chuyển nhượng dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Khai vốn điều lệ 800 tỷ để “làm đẹp” hồ sơ?
Dù đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng Cty Mefrimex lại đưa ra yêu sách cho đối tác: “Sẽ cân nhắc thực hiện tiếp dự án nếu TCty 36 chấp nhận khoanh lại tiền chuyển nhượng dự án và tiền thi công để trả dần không tính lãi. Nếu không được chấp nhận thì Cty Mefrimex không còn cách nào khác là phải hoàn trả dự án và đề nghị được lấy lại khoản tiền đã đầu tư vào dự án”.
Mặc dù Cty Mefrimex thoái lui khỏi dự án và đưa ra lời hứa “sẽ chịu mọi thiệt hại theo quy định của pháp luật thuộc nghĩa vụ của Cty phát sinh từ việc hoàn trả dự án”, nhưng TCty 36 lại cho rằng việc trả lại dự án, chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng không phải là quan hệ kinh tế thông thường bởi việc chuyển nhượng này đã được UBND TP.Hà Nội đồng ý, có sự thẩm tra của nhiều sở, ngành liên quan, trong đó có cả việc thẩm tra về năng lực tài chính của Cty Mefrimex.
Theo các tài liệu do Cty Mefrimex cung cấp, Cty này có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 1.900 tỷ đồng. Tin tưởng vào con số này, TCty 36 nhận thấy Cty Mefrimex có đủ nguồn vốn, tài sản nên mới chuyển nhượng dự án để Cty Mefrimex tiếp tục hoàn thiện dự án theo tiến độ.
Đến nay, khi đã bị đối tác đẩy vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và đang trong giai đoạn tiến hành xác định giá trị tài sản, xác định nợ để tiến hành cổ phần hóa, TCty 36 đã buộc phải có đơn tố cáo và đề nghị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (BQP) vào cuộc để xác minh làm rõ có hay không sự gian dối của Cty Mefrimex trong việc báo cáo năng lực tài chính với các cơ quan chức năng nhằm chiếm dụng tài sản, gây thiệt hại cho một đơn vị của quân đội. Nếu có gian dối thì đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân liên quan theo Điều 167 Bộ luật Hình sự “Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế” do đã làm trì hoãn tiến độ của dự án, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm người dân, cản trở việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ của Hà Nội…
Trong một động thái khác, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đề nghị của TCty 36, mới đây, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng BQP đã có ý kiến “giao Cục Điều tra hình sự BQP chủ trì phối hợp với Cục Kinh tế (BQP), Cục Tài chính (BQP) và các cơ quan liên quan thống nhất đề xuất BQP chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những kết quả giải quyết của BQP trong thời gian tới đây.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com