Dự án cải tạo Trường bắn Final cho doanh nghiệp dùng hồ sơ giả thắng thầu

(PLO) - Điều kiện đấu thầu rất khắt khe, nghiêm ngặt nhưng Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội vẫn tìm cách chọn doanh nghiệp dùng giấy tờ giả thắng thầu. Vụ việc hé lộ phần nào “góc khuất” đấu thầu dự án trong lĩnh vực thể thao.
Bắn súng là môn thể thao mạnh của Việt Nam đã từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Ảnh minh họa
Thực hiện Dự án đầu tư cải tạo Trường bắn Final thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội, Trung tâm đã mở thầu gói mua sắm lắp đặt hệ thống thiết bị công nghệ điện tử đồng bộ cho trường bắn Final, điều hòa, máy tính, hệ thống camera và màn hình. Trị giá gói thầu là 17,187 tỷ đồng. 
Giá tốt, chất lượng cao đều bị loại
Một trong những điều kiện dự thầu là “đối với thiết bị điện tử đồng bộ cho Trường bắn Final, nhà thầu phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của hãng sản xuất hoặc của đại lý ủy quyền của hãng sản xuất trong thời gian thực hiện dự án (năm 2013 - 2014), bản sao văn bản này được công chứng hay chứng thực phải kèm theo hồ sơ dự thầu”.
Hãng sản xuất phải có chứng nhận của Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF) hoặc được công bố kết quả kiểm tra thiết bị đạt tiêu chuẩn về độ chính xác và đặc tính kỹ thuật trên website chính thức của Liên đoàn Bắn súng thế giới. 
Ngày 14/9/2013, gói thầu đã được mở, với 5 nhà thầu nộp hồ sơ đúng quy định. Ngày 28/11/2013, khi một trong các đơn vị tham gia dự thầu phản ứng về việc chủ đầu tư chậm trễ ra quyết định trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu, thì chỉ một ngày sau đó, Trung tâm đã ra văn bản thông báo về kết quả gói thầu, theo đó, kết quả xếp hạng cho gói thầu này là Liên danh Sao Việt Hà – Thăng Long xếp hạng 1 (giá đánh giá 10,968 tỷ đồng), Liên doanh Willy sports – ETN Việt Nam xếp hạng 2 (giá đánh giá là 15,916 tỷ đồng), Cty CP Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam xếp hạng 3 (giá đánh giá là 16,255 tỷ đồng). 
Nhà thầu Sao Việt Hà chào thầu thiết bị của hãng Megalink (Na Uy) – về sau được đánh giá không đạt, còn hai nhà thầu Willy sports và Cty CP TDTT Việt Nam đều chào thầu thiết bị của hãng SIUS ASCOR (Thụy Sĩ).
Dùng giấy phép giả để chào thầu
Liên danh Cty Willy sports – ETN Việt Nam là đơn vị chào thầu thiết bị của hãng SIUS ASCOR (Thụy Sĩ), giá chào thầu đạt kết quả tốt, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, vấn đề là hiệu lực của giấy phép bán hàng của chính hãng. 
Lần theo các văn bản liên quan đến giấy phép bán hàng, có thể thấy trong văn bản ngày 30/7/2013, SIUS xác nhận đã đồng ý bán các sản phẩm SIUS cho Willy sports cho năm 2013 và trong tương lai. Tuy nhiên, ngày 15/8/2013, SIUS đã có văn bản gửi tới các cơ quan hữu quan xác nhận Cty CP TDTT Việt Nam là công ty duy nhất mua và cung cấp hệ thống bia điện tử SIUS SA 941 cho Trường bắn Final tại Hà Nội, Việt Nam. 
“Tất cả các công ty khác tại Việt Nam không được phép bán và giới thiệu thương hiệu SIUS cho gói thầu chuẩn bị thực hiện này cũng như không có bất cứ công ty nào khác được phép phân phối sản phẩm của SIUS thông qua một bên thứ ba” – văn bản này nói.
Ngày 12/12/2013, SIUS có văn bản gửi các cơ quan hữu quan xác nhận rằng SIUS có kế hoạch bán các sản phẩm của hãng này cho Cty Willy sports, và Willy sports được mua và bán các sản phẩm SIUS kể từ ngày 12/12/2013 trở đi, “ngoại trừ cho Trường bắn Final tại Hà Nội, từ lâu bảo lãnh dự án đã được cấp cho khách hàng khác”.
Thế nhưng ngày 20/12/2013, Cty Willy sports vẫn cung cấp văn bản, trong đó thể hiện nội dung SIUS xác nhận bán sản phẩm cho Willy sports cho năm 2013 và các đơn hàng trong tương lai từ Việt Nam.
Ngay sau đó, ngày 6/1/2014, SIUS có văn bản gửi các cơ quan chức năng cho hay, đúng là công ty này có văn bản ngày 12/12/2013 xác nhận Willy sports được bán sản phẩm SIUS, trừ Trường bắn Final tại Hà Nội. Dự án trường bắn mới này đã được SIUS độc quyền cung cấp cho Cty CP TDTT Việt Nam. 
Thế nhưng, theo lời SIUS thể hiện trong văn bản trên, “lời lẽ trong thư này đã bị nhẫn tâm thay đổi bởi Cty Willy sports. Vui lòng đối chiếu với bản gốc và bản của Cty Willy Sports đã được lưu hành tại Việt Nam. Công ty này đã thay đổi ngày và thậm chí đã bắt chước con dấu logo SIUS vào trong thư”.
Văn bản, do Trợ lý Tổng Giám đốc Henry Duenki ký, nói: “Cty Willy sports đã tự làm mất tư cách bằng việc làm giả tài liệu SIUS. Chúng tôi không thể tha thứ cho tội này, và vì thế chúng tôi sẽ không cung cấp cho Cty CP XNK Willy sports các sản phẩm của chúng tôi nữa”.
Việc giấy phép ngày 30/7/2013 hết hiệu lực cũng được SIUS xác nhận trong một văn bản khác.
Chủ đầu tư sốt sắng đáng ngờ
Ngày 20/12/2013, Cty Willy sports có Văn bản số 28/CV/2013 do Giám đốc Nguyễn Hồ Thu ký, trình bày công ty này được hãng SIUS – AG cấp giấy phép bán hàng ngày 30/7/2013 đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ dự thầu. Công ty này cũng trình bày là chính trong ngày hôm đó - 20/12/2013, công ty nhận được văn bản mới nhất của hãng SIUS AG do Tổng Giám đốc ký xác nhận Cty Willy sports vẫn được phép mua bán các sản phẩm điện tử của SIUS mà công ty đã chào trong gói thầu. 
Ngay trong ngày 20/12/2013, Cty CP Tư vấn xây dựng kinh tế cũng có văn bản gửi Trung tâm báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu, theo đó đề nghị cho Liên danh Willy sports – ETN Việt Nam trúng thầu.
Ba ngày sau giải trình này của Willy sports, Trung tâm cũng có công văn đề nghị Tổng cục TDTT xem xét đảm bảo tính pháp lý, đúng quy định trong hồ sơ mời thầu của Willy sports. Cùng ngày, Trung tâm cũng có văn bản gửi các nhà thầu về kết quả chấm thầu. 
Tại Văn bản số 1149/HLQGHN ngày 23/12/2013 do Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Hùng ký, bên cạnh việc thông báo trúng thầu, Trung tâm đề nghị đại diện nhà thầu đến Trung tâm trước 10h00 ngày 24/12/2013 để thương thảo và ký hợp đồng với Trung tâm về việc mua sắm lắp đặt thiết bị gói thầu trên.
Thế là, nếu như quá trình chấm thầu kéo dài đến mức phải đề nghị gia hạn, thì quá trình hoàn tất thủ tục thầu và ký hợp đồng lại được chủ đầu tư làm nhanh một cách bất ngờ. 
PLVN sẽ tiếp tục làm rõ câu chuyện này.

Đọc thêm