Dự án cảng cá Tư Hiền (Thừa Thiên – Huế): Tính toán lại phương án đổ vật chất nạo vét

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để triển khai dự án (DA) cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất vị trí đổ thải cho DA tại khu vực gần đầm Hải Phú.
Dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão đang được đẩy nhanh triển khai các hạng mục.
Dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão đang được đẩy nhanh triển khai các hạng mục.

Tuy nhiên, người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản ở xã Lộc Bình, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) cho rằng đây là nơi sinh sản của cá tôm, là nguồn sinh sống của bà con trong khu vực, phải được hỗ trợ thỏa đáng và phải bảo đảm môi trường.

Dự án cảng cá Tư Hiền có tổng mức đầu tư 148 tỉ đồng, thuộc dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản sử dụng tiền bồi thường của Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, do Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.

Tiến độ hạng mục nạo vét vật chất từ biển đến nay đạt khoảng hơn 20% trên tổng khối lượng 220 nghìn m3. Toàn bộ khối lượng nạo vét được tập kết tại bãi tạm sát khu vực tiếp nhận của DA với chiều dài nạo vét khoảng 750m đoạn từ cửa biển vào.

Dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão được xem là dự án trọng điểm của Thừa Thiên - Huế, góp phần khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi để tàu thuyền ra vào đánh bắt thủy hải sản, phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, người dân nơi đây đang bất an về phương án đổ hàng trăm ngàn mét khối vật chất nạo vét xuống khu vực đánh bắt thủy sản, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Theo ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, khu vực đổ thải nằm gần là đầm Hải Phú, nơi có rất nhiều hộ dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Đây là nơi sinh sản của các loài cá tôm, là nguồn sinh sống của bà con trong khu vực nhiều đời nay: “Vì vậy yêu cầu chủ đầu tư cam kết trong quá trình triển khai nếu có tác động môi trường làm cá lồng chết thì phải chịu trách nhiệm bồi thường hỗ trợ.

Địa phương cũng yêu cầu chủ đầu tư ngoài thực hiện việc đền bù cho người dân nuôi trồng thủy sản, cần có phương án hỗ trợ cho các hộ dân làm nghề, đánh bắt thủy sản trong phạm vi thu hồi; đồng thời hỗ trợ các hộ dân làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khu vực còn lại của lạch nước do phần diện tích bị thu hẹp ảnh hưởng phần nào đến sinh kế của người dân...”.

Theo BQL dự án, trong phạm vi tuyến luồng nạo vét còn vướng mắc nhiều lồng cá, đáy… của người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nên ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Vào cuối tháng 9/2021, UBND tỉnh thống nhất vị trí đổ thải tại bãi tiếp nhận vật chất nào vét dự án nằm ở khu vực đầm Hải Phú, xã Lộc Bình với diện tích khoảng 8ha. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, người dân địa phương không cho tập kết vật tư, vật liệu, máy móc do khu vực này chưa được chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù.

Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý & Xây dựng công trình, Sở NN&PTNT thông tin, để xử lý những khó khăn, vướng mắc, BQL dự án và các nhà thầu đã làm việc với UBND huyện Phú Lộc, xã Lộc Bình, Vinh Hiền để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Để có cơ sở xem xét hỗ trợ, Sở đã chỉ đạo BQL dự án làm việc với đơn vị tư vấn đo vẽ thực địa phạm vi mặt bằng bị ảnh hưởng, hiện đang hoàn thiện hồ sơ địa chính.

Đọc thêm