Hoàn thành 100% kế hoạch
Dự án hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt cho các hộ dân nghèo, neo đơn ở vùng thường xuyên ngập lụt trên 1,5 mét tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với kinh phí không hoàn lại; bao gồm nguồn tài trợ của Dự án GCF (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc) 1700 USD/hộ (gần 38 triệu đồng/hộ); nguồn vốn đối ứng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Chính phủ thực hiện dự án, mỗi hộ từ 12 - 16 triệu đồng (Chia thành 3 đối tượng, đối tượng khó khăn 12 triệu, khó khăn nhiều 14 triệu và cực kỳ nghèo 16 triệu –PV). Ngoài ra, các hộ còn được hưởng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng/hộ (không trả lãi trong 5 năm đầu đến 5 năm cuối chỉ phải trả lãi 3%/tháng).
Đây là dự án có mức hỗ trợ cao nhất trong tất cả các dự án hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở từ trước đến nay. Trước những lợi ích to lớn mà dự án đem lại cho bà con nhân dân khó khăn vùng ven biển, Thừa Thiên - Huế đã tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả.
Ban quản lý dự án cho biết, toàn tỉnh có 581 hộ được thụ hưởng; trong năm 2018 đã hoàn thành kế hoạch đề ra làm nhà cho 135 hộ. Năm 2019 triển khai cho các hộ dân với 230 nhà, đạt 100% kế hoạch đề ra. Phần còn lại 216 nhà sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng (PGĐ Sở Xây dựng, PGĐ BQL dự án GCF) cho biết, dự án trên được triển khai ở 5 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. “Tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn làm nhà rõ ràng, đúng chất lượng, đúng đối tượng nên được đánh giá rất cao.
Năm 2019, BQL dự án phối hợp các địa phương rà soát kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bổ sung 3 đợt về đối tượng thụ hưởng nhằm phục vụ triển khai tốt kế hoạch, không để các hộ xin rút khỏi dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung.
Ngoài ra, BQL dự án còn vận động nhiều đơn vị DN tham gia đồng hành cùng chương trình. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục vận động một số DN tham gia hỗ trợ thêm vật liệu giúp người dân giảm bớt áp lực xây dựng trong tình trạng giá cả vật liệu đang tăng cao”.
Người dân yên tâm mùa mưa bão
Quảng Điền, Phong Điền và Phú Lộc là những huyện có nhiều người dân được hưởng dự án này. Sau khi được hỗ trợ có nhà mới, ai nấy đều tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi vì có được nơi trú ẩn an toàn, nhất là mùa mưa bão khó lường...
Bà Nguyễn Thị Kính (70 tuổi, thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) là hộ nghèo, sống neo đơn trong căn nhà dột nát đã mấy chục năm: “Mưa gió là nhà dột, ướt hết khiến tôi phải di chuyển sang nhà hàng xóm trú ẩn. Vừa rồi Nhà nước cho làm nhà chống thiên tai nên tôi rất vui. Tôi mới nhận nhà cách đây 1 tháng, sắp tới mưa gió không còn sợ nữa, cũng không cần ai đưa đi tránh lũ như mọi năm...”.
Xã Quảng An là địa phương có địa thế thấp nhất huyện Quảng Điền, những trận lũ nước lên cao nhiều nhà phải sơ tán, nước lên quá cửa sổ là chuyện thường.
Ông Đặng Văn Thương vui mừng vì nhờ dự án, mình dựng được nhà mới với gác lửng. “Dự án đã cho 53 triệu, vay ngân hàng chính sách 15 triệu nữa, tôi đi mượn thêm ở bà con thế là có nhà mới, năm nay lũ lụt khỏi lo sơ tán. Uớc mơ cả đời của tôi đã thành hiện thực”.
Theo ông Nguyễn Văn Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế), tình trạng biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến địa phương. Dự án này mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần giúp người dân có nhà ở ổn định, phòng tránh thiên tai.
Còn theo bà Akiko Fujii (PGĐ quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc), Thừa Thiên - Huế là địa phương nằm dọc theo bờ biển Việt Nam, thường bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt. Xây dựng những ngôi nhà an toàn chính là giải pháp tăng khả năng chống chịu, giúp người dân vùng ven biển, cận ven biển thích ứng với những mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu.