Dù chết cũng không đón vợ về

(PLO) -  Mỗi khi về đến nhà, không còn nụ cười của vợ đón chồng và câu hỏi thường trực thay cho lời của chị: “Anh đã về?”, anh cảm thấy trống vắng vô cùng. Những buổi tối dài lê thê, những đêm trằn trọc khiến anh khốn khổ… Nhưng đón chị về ư, thằng đàn ông gia trưởng trong anh gào lên: “Không đời nào!”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Tuy không phải con chiên của Chúa mà nhiều lúc anh muốn đấm ngực đọc to một câu kinh: “Lỗi ở con, lỗi ở con nhiều bề!”. Mấy chục năm hôn nhân, trong anh không có ý coi thường vợ nhưng lạ lùng trái khoáy là những biểu hiện bên ngoài của anh từ lời ăn, tiếng nói đến cách cư xử lại biểu hiện điều đó. Ngay cả những trường hợp, lý trí thừa nhận vợ đúng nhưng anh lờ đi, thậm chí cố tình làm ngược lại. 
Chẳng hạn, chị bảo không nên cho người bạn ấy vay tiền, cho vay thì có thể mất cả tiền lẫn bạn nhưng anh không đắn đo nữa, lập tức cho bạn vay ngay. Kết cục đúng như chị dự báo. Đó là việc nhỏ, còn những việc lớn hơn, trọng đại thì đều do anh quyết định, chị mà góp ý thì như lửa đổ thêm dầu, anh sẽ quyết liệt làm theo ý mình. 
Dần dần, chị biết tính chồng nên không tham gia bàn bạc gì nữa, bất đắc dĩ lắm thì mới có ý kiến, song thể nào anh cũng sẽ làm ngược lại những điều chị muốn. Anh biến chị thành cái bóng trong nhà lúc nào không hay, chị chỉ còn một việc là âm thầm chăm sóc chồng con và cố giữ hòa khí gia đình, không để mâu thuẫn vợ chồng xảy ra. Anh thành kẻ độc tài trong nhà, không thèm nghe bất cứ “phản biện” nào từ vợ con.
Nhưng lần này, xung đột vợ chồng đã xảy ra, là lần đầu tiên nhưng mâu thuẫn lập tức được đẩy đến đỉnh điểm. Đó là việc cô con gái dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ, anh chẳng nhận thấy gì xuất sắc trong chàng rể tương lai nhưng thấy rằng chấp nhận được. Ngược lại, chị như bắt được vàng, bộc lộ niềm hân hoan của người mẹ khi thấy con gái gặp được đúng người mình mong muốn. 
Cái bộc lộ có phần hơi thái quá của chị lẫn sự chiều chuộng, săn đón con rể tương lai khiến anh khó chịu và dẫn tới một động thái quyết liệt là không chấp nhận để con gái lấy “cái thằng đó”. Hai mẹ con khóc hết nước mắt mà ông bố chẳng xiêu lòng. Dẫu sao, trước sự khăng khăng của con gái và sự đồng tình của cả nhà, anh cũng chịu thoái lui bằng cách “kệ mẹ con mày”. 
Thế là dạm ngõ, ăn hỏi cũng như cưới anh đều kiếm cớ vắng mặt và khi con gái đã về nhà chồng thì “chiến tranh lạnh” giữa hai vợ chồng do anh khởi xướng bắt đầu. Chị cố gắng chăm sóc chồng nhiều hơn, nhún nhường trong mọi chuyện, nhưng anh làm ngơ, hưởng sự chăm sóc của vợ như mặc nhiên phải có, theo cái cách của lãnh chúa nhận sự chăm sóc của con hầu.
Con gái mang thai, chị đến với vợ chồng nó cũng phải lén lút, không để anh biết. Khi nó sắp sinh con, chị xin phép anh đến chăm con, anh không nói năng gì, chỉ tỏ vẻ giận dữ không giấu giếm. Nó đẻ, bà ngoại ở lại chăm cháu một tuần, lúc chị về nhà thì anh bảo: “Đến mà ở luôn với chúng nó đi!”. 
Chị vẫn nhẫn nhục làm tròn bổn phận người vợ với anh. Thế nhưng, dường như điều đó càng khiến anh bực mình thêm. Cháu ngoại mới sinh ốm yếu, phải vào viện, chị lại xin phép anh cho đi trông cháu. Anh cáu: “Đi hẳn đi, đừng về nhà này nữa!”. Chị thu xếp quần áo, khoác túi đến bên anh, dịu dàng: “Em đi anh ạ!”. Anh không trả lời.
Đã hơn một tháng trôi qua, chị không về nhà. Đứa con gái út khóc, bảo anh: “Mẹ ở hẳn với anh chị ấy rồi, không về đây nữa đâu, bố thỏa mãn chưa!”. Lần đầu tiên, anh im lặng trước cái thái độ mà anh cho là sự hỗn hào của con cái../.

Đọc thêm