Dụ dỗ người khác thực hiện hành vi đăng tin giả và sai sự thật bị xử lý như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Tuấn Huy (Khánh Hoà) hỏi: Em tôi năm nay 15 tuổi, có 1 số đối tượng dụ dỗ em tôi, họ hứa trả tiền hậu hĩnh để làm cho họ để đăng tin giả và sai sự thật. Tôi đã ngăn và không cho em làm việc này. Vậy xin hỏi, pháp luật có quy định như thế nào về việc này?
Dụ dỗ người khác thực hiện hành vi đăng tin giả và sai sự thật bị xử lý như thế nào?

Luật sư Trần Thị Loan (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi đăng tải các thông tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy theo tính chất, mức độ mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đương nhiên, người có hành vi dụ dỗ, lôi kéo người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.

Người thực hiện hành vi: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" hoặc "Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc" thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Hơn nữa, trường hợp các thông tin sai sự thật này nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại cho người khác thì người thực hiện hành vi đăng tải thông tin và người dụ dỗ người khác thực hiện hành vi đăng tải thông tin này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.

Nghiêm trọng hơn, nếu các thông tin giả này có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân hoặc các thông tin bịa đặt có tính chất kích động, gây chiến tranh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 5 năm đến 12 năm tù; trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị áp dụng mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Khi đó, đối tượng dụ dỗ người khác đăng tin sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao hơn với vai trò là chủ mưu. Tuy nhiên lúc này em của bạn cũng sẽ bị xử lý nếu đã thực hiện hành vi theo sự chỉ dẫn, dụ dỗ của các đối tượng xấu.

Đặc biệt, trường hợp này em của bạn là người dưới 16 tuổi: Theo quy định tại Luật trẻ em thì người dưới 16 tuổi được xác định là trẻ em. Hành vi sử dụng trẻ em, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 24, Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Rủ rê trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Xúi giục, kích động trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, hiện nay pháp luật đã có quy định về chế tài xử lý đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ người khác thực hiện hành vi đăng tải các thông tin giả, sai sự thật. Người vi phạm sẽ phải đối diện với các quy định xử phạt nghiêm khắc như trên./.

Đọc thêm